![]() |
Đa số những ngôi sao lớn của nhạc trẻ Việt Nam một thời, các ca sĩ thuộc hàng “diva” và các thí sinh ẵm giải cao trong các kỳ Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn... đều là người Hà Nội, nhưng đời sống âm nhạc thủ đô hàng chục năm nay vẫn “bình bình”... Một đồng nghiệp trẻ từ Sài Gòn ra Hà Nội muốn tìm phòng trà ca nhạc thì được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh “tư vấn”: “Tìm một quán cà phê có mở nhạc dễ chịu chứ không có phòng trà nào phù hợp với anh đâu!”.
![]() |
Chương trình Bài hát Việt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vẫn có “vé chợ đen” với giá “bèo” dù ban tổ chức chỉ phát giấy mời |
Chỉ có một vài phòng trà ca nhạc đúng nghĩa
Phòng trà ca nhạc đúng nghĩa duy nhất ở Hà Nội là CLB Aladin của gia đình NSND Thanh Hoa. Ba năm nay, sau khi chuyển từ Hàng Bột về Khách sạn Thắng Lợi, lượng khách của phòng trà giảm hẳn, vì địa điểm mới nằm ở phía Hồ Tây, không phải con phố trung tâm như Hàng Bột. Những ngày cuối tuần hay khi có chương trình đặc biệt của các giọng ca tên tuổi thì khán phòng vài trăm chỗ này mới tương đối đông đủ. Còn lại, ngày thường chỉ vài ba chục khách.
Phòng trà ca nhạc trẻ đúng nghĩa như Sài Gòn thì tìm đỏ mắt cũng không có mà chỉ tồn tại các quán bar có biểu diễn ca nhạc vào cuối tuần. Sóng Xanh ở đầu đường Chùa Bộc “chuyên trị” nhạc giải trí sôi động vào cuối tuần với một sân khấu hình chữ T phù hợp cho cả các sô diễn thời trang nhỏ. Một số ca sĩ trẻ đã chọn nơi này để ra mắt album, như Hồ Quỳnh Hương, Triệu Trang... Các ca sĩ biểu diễn ở đây thường là sinh viên các trường nhạc hay những người chưa nổi danh. Fantasy ở ở phố Tôn Đức Thắng (nhìn ra Văn miếu - Quốc tử giám) cũng chỉ có ca nhạc vào ngày cuối tuần. Khi mời được các giọng ca tên tuổi trong Nam, ngoài Bắc, họ có giăng băng rôn hẳn hoi.
Quán bar được tiếng “cao cấp” ở Hà Nội là Hồ Gươm Xanh tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay trên đường Lê Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm. Trước đây, nó đứng ở bậc dưới so với New Century Club nhưng từ khi sàn nhảy này bị dẹp, khách đổ dồn sang Hồ Gươm Xanh. Ca sĩ trẻ Hoàng Hiệp, người biên tập nhạc, quả quyết: “Đây là “sân chơi” âm nhạc đẳng cấp nhất Hà Nội”. Tuy vậy, cũng chỉ vào thứ Sáu, thứ Bảy hay dịp Noel, Tết dương lịch... mới có biểu diễn ca nhạc. Còn ngày bình thường, chỉ có màn múa đầy khêu gợi trên sân khấu có trụ đẩy lên xuống khá sinh động.
Nơi đây mạnh tay mời cả các ca sĩ tên tuổi của phía Nam như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Quang Linh (thường là kết hợp với các sô diễn ngoài Bắc)... hay các giọng ca Hà Nội như Tuấn Hưng, Lệ Quyên... Giá đồ uống được coi là “mắc” vì gấp đôi, gấp ba so với phòng trà của Thanh Hoa hay các quán bar khác: 65.000 đồng/chai bia Heineken, nhưng giá rượu Tây lại khá mềm... Cạnh Hồ Gươm Xanh là Inbox cà phê, thời gian gần đây mời một số ca sĩ trẻ. Ca sĩ Tùng Dương vừa có hẳn một chương trình tại đây nhân dịp ra đĩa nhạc mới.
Từ Hồ Gươm Xanh, rảo bước khoảng 500m sẽ tới Quyền Văn Minh Jazz Club, nơi hai bố con nghệ sĩ Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc cùng các nghệ sĩ nhạc jazz vẫn đắm say với những bản nhạc jazz hàng đêm. Mặc dù đa số là khách nước ngoài nhưng giá đồ uống ở đây khá mềm. Khách VN đến đây chủ yếu là người đi học nước ngoài về hay một vài văn nghệ sĩ...
Nếu Hồ Gươm Xanh tồn tại hàng chục năm thì Hale Club mới xuất hiện ba năm nay bên hồ Thiền Quang. Về độ hoành tráng thì nơi đây hơn hẳn Hồ Gươm Xanh với ba tầng rộng và thoáng. Hale Club tổ chức ca nhạc thường xuyên nhưng thường “chuyên trị” jazz hay các ca khúc nước ngoài, có dàn trống và kèn saxophone. Cứ sau một vài bài lại nghỉ 10-15 phút. Khách đến chủ yếu để uống nước và nói chuyện. Ca sĩ hát cứ hát và tiếng trò chuyện ồn ào có lúc át cả tiếng nhạc. Giá cả giống như ở Jazz Club.
Bar Indochine của nhạc sĩ Phú Quang ở cuối đường Trần Quốc Toản mới mở được vài năm nay thu hút khá đông khách là văn nghệ sĩ và giới công chức. Ca sĩ ruột của Phú Quang là Ngọc Anh thường hát ở đây vào cuối tuần. Bar còn phụ vụ ăn uống. Giá cả dễ chịu và không tính phụ trội ca nhạc.
Một địa chỉ thu hút khán giả nhiều lứa tuổi tìm đến là Z Cafe nằm trên con phố khá vắng lặng của Hà Nội: Tôn Đản, cách không xa Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài các buổi tối đầu tuần là chương trình “hát cho nhau nghe”, cuối tuần là các chương trình ca nhạc phong phú. Ngoài các ca sĩ trẻ như Tùng Dương, Phương Anh..., có cả những giọng ca chỉ nổi tiếng ở khu vực Hà Nội hoặc hát hay mà chưa có tên tuổi... Chương trình có MC, có trò chuyện với ca sĩ hay nhạc sĩ khi tổ chức ra mắt album tại đây...
Lý Club trên đường Lý Thái Tổ mà ca sĩ Thanh Lam hùn vốn với những người bạn dành riêng một sân khấu sang trọng mang dáng vẻ của nhà hát cung đình. Nơi đây từng diễn ra những chương trình có tiếng vang như Đường xa vạn dặm của nhạc sĩ Quốc Trung hay các chương trình biểu diễn ca trù... nhưng chỉ khi có những tua nước ngoài theo hợp đồng với các công ty du lịch thì mới sáng đèn. CLB Sắc Việt do “đào chèo” Thanh Ngoan “cầm đầu” ra đời được vài năm nay làm sống lại không gian âm nhạc của Hà Nội xưa với ca trù, hát xẩm... đã đóng cửa vì vắng khách. Sân khấu ca nhạc ngoài trời tại phố Hàng Đào vào tối thứ Bảy cuối tuần với nội dung tương tự ở Sắc Việt chỉ hoạt động vào mấy tháng cuối năm 2007.
Thói quen xem ca nhạc chùaThanh Lam và Lê Minh Sơn với nhiều chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội thu hút khán giả
Tuy không rộn ràng như ở Sài Gòn nhưng các chương trình ca nhạc diễn ra đều đều ở Cung Văn hóa Hữu nghị và Nhà hát Lớn Hà Nội thu hút lượng đáng kể công chúng thủ đô ở nhiều lứa tuổi. Chỉ riêng ba chương trình định kỳ: Con đường âm nhạc, Bài hát Việt và Nhịp cầu âm nhạc thường được tổ chức ở Hà Nội đã làm kín 3 tối cuối tuần trong tháng. Chưa kể, Hội Âm nhạc Hà Nội hằng năm đều tổ chức Tình yêu Hà Nội để tôn vinh các nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho thủ đô.
Nhiều nhất có lẽ là các chương trình ca nhạc nhân lễ kỷ niệm hay phát động một chương trình, rồi lễ trao giải thưởng... Vé mời nên người ta cứ lũ lượt đi xem và rõ ràng đây chẳng phải là công chúng thưởng thức âm nhạc thật sự. Hầu hết các chương trình, ca sĩ đều hát nhép để truyền hình trực tiếp cho an toàn. Không ít chương trình ca múa nhạc quen thuộc đến mức nhàm chán.
Hà Nội là nơi diễn ra khá nhiều chương trình nhạc giao hưởng - thính phòng, từ chương trình của một sinh viên du học trở về, chương trình của một ngôi sao danh tiếng ở nước ngoài đến do các hãng lớn tài trợ hay nhân dịp kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao... Công chúng nghe nhạc thật sự là những người sành điệu nhưng có không ít người khoác áo vào Nhà hát Lớn cho oai hay đi vì ngoại giao chứ thực chất chẳng hiểu gì về giao hưởng và thính phòng. Một số khách sạn lớn tổ chức các chương trình ca nhạc hàng đêm tại các quán bar trong khuôn viên khách sạn, chủ yếu phục vụ người nước ngoài.
Anh Thế Cường, từng là ông bầu ca nhạc của New Century Club, lý giải đời sống âm nhạc biểu diễn ở Hà Nội không phát triển vì lực lượng ca sĩ còn quá mỏng, từ 40 đến 50 người và chỉ khoảng 10 đến 15 người được khán giả chú ý đến. Theo anh, các chương trình ca nhạc ở Hà Nội nằm trong tình trạng chung của sân khấu biểu diễn, là thiếu tiền đầu tư và thiếu sự tài trợ từ các công ty quảng cáo. Anh cho biết, gu âm nhạc ở các phòng trà vẫn là thứ nhạc dễ nghe về tình yêu.
Thói quen cuối tuần đi nghe ca nhạc hay đều đặn bỏ vài trăm ngàn mỗi tuần đi xem chương trình ở nhà hát không tồn tại trong đại đa số người Hà Nội hiện nay. Việc khẳng định ca trù là âm nhạc dân gian truyền thống của Hà Nội và ca trù của Hà Nội có đủ tư chất thanh cao, tao nhã cũng chẳng làm cho các chiếu ca trù phát triển khi mà khán giả của nó thường muốn ở nhà... xem tivi!