Ngọt, đắng cùng... đường

ĐỖ PHƯƠNG thực hiện| 13/11/2013 02:04

Dù mới ở ngưỡng ngũ tuần, nhưng ông Nguyễn Bá Chủ đã có gần 23 năm làm việc trong lĩnh vực đường mía...

Ngọt, đắng cùng... đường

Dù mới ở ngưỡng ngũ tuần, nhưng ông Nguyễn Bá Chủ đã có gần 23 năm làm việc trong lĩnh vực đường mía. Với kinh nghiệm tích góp từ nhiều vị trí, từ trưởng phòng, phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT tại nhiều doanh nghiệp (DN) đường có tên tuổi, đã giúp ông làm tròn hơn vai trò nhà điều hành tại Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT), đơn vị hai năm liền được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 DN lên sàn tốt nhất Việt Nam. Gần nửa cuộc đời gắn bó với "nghiệp đường", ông không muốn nói về mình mà chỉ nói đến công việc, khi thực trạng của ngành đường đang đối mặt với hàng nhập lậu, hàng tồn kho cao.

Đọc E-paper

Ảnh: Quý Hòa

>"Luôn hành động và dám chấp nhận thất bại"
>Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
>
Doanh nhân Cao Tiến Đoan: 3 lần tay trắng
>Sống sót nhờ "thí điểm"

* Sau thương vụ mua lại toàn bộ cổ phần từ đối tác Pháp, đến nay SBT được xem là một trường hợp thành công hậu M&A...

- Việt Nam có 41 nhà máy đường, nhưng số đông có trình độ kỹ thuật thấp, công suất nhỏ nên nhu cầu đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao công suất là rất lớn. Tham gia M&A (mua bán và sáp nhập) sẽ giúp thực hiện được điều đó.

Vấn đề còn lại là làm sao đàm phán và thỏa thuận của hai hoặc nhiều phía để bên mua và bên bán đều có lợi.

Phải hiểu mong muốn của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vào ngành đường. Đương nhiên điều đầu tiên họ nhìn là thị trường.

Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 5 - 6kg, thấp so với lượng tiêu thụ đường bình quân trên thế giới, nhưng có năm đường trong nước sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngành đường Việt Nam đã được đổi mới do quyết định của Chính phủ là phải cổ phần hóa toàn bộ các công ty nhà nước, nên đa số DN đường hiện nay là sở hữu của các cổ đông.

Điều này còn liên quan đến việc HĐQT của DN có giang tay để chào đón các NĐT hay không. Các NĐT nước ngoài vào Việt Nam muốn đầu tư tài chính, công nghệ để phát triển.

Đối với các NĐT nước ngoài, nhất là những NĐT có vốn lớn, họ đến, đi đều nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn mẹ ở chính quốc. Riêng với SBT, Bourbon đã đầu tư cách đây 18 năm.

Bourbon đầu tư nhà máy đường, theo tôi đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Với thiết bị hiện đại như vậy, họ không muốn dừng lại ở mức 8.000 - 9.000 tấn mía/ngày, mà phải đạt 16.000 tấn mía/ngày, nhưng Tây Ninh không đủ đất trồng mía.

Họ còn đầu tư trồng mía, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có sử dụng đường hoặc sử dụng phụ phẩm, phế phẩm từ sản xuất đường, sản xuất điện thương phẩm và điện để sử dụng từ nguyên liệu chính là bã mía, sản xuất và kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp...

Họ chuyển nhượng cổ phần cũng là do việc Tập đoàn muốn đầu tư vào ngành nghề khác có lợi nhuận cao hơn. Mua hết cổ phần của Bourbon tất nhiên là phải có lực, nhưng hậu M&A mới là quan trọng và bây giờ có thể tự hào rằng chúng tôi đã thành công, thể hiện qua kết quả kinh doanh.

Tất nhiên chúng tôi có xây dựng lại sứ mệnh, tầm nhìn, để làm sao có thể đạt được hiệu quả trong từng thời kỳ. Phát triển trên nền tảng thiết bị, cơ ngơi có sẵn, tận dụng triệt để lợi thế từ nhà máy, chúng tôi nâng công suất lên dần, lần thứ nhất ép từ 8.000 tấn lên 9.000 tấn mía/ngày, lần thứ hai từ 9.000 lên 9.800 tấn mía/ngày.

Như vậy so về công suất đã tăng 20%. Sản xuất mía đường là thời vụ, tăng được công suất là góp phần hạn chế được những thiệt hại trong quá trình kinh doanh của DN. Đến nay, SBT đã sản xuất được trên 100.000 tấn đường/năm, sản xuất được gần 50.000MWh điện/năm.

Cùng với giải pháp khoa học, công nghệ, quản lý, song hành với công tác bảo vệ môi trường, SBT xác định xây dựng vùng nguyên liệu bền vững là yếu tố quan trọng, vì vậy đã và đang thực hiện nhiều chính sách bảo đảm lợi ích của người nông dân trồng mía.

* Hiện nay, đường tồn kho nhiều, đường nhập lậu ngày một tăng, là người trong ngành, lại là nhà điều hành, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Năm 2012, lần đầu tiên sản lượng đường Việt Nam đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước, tức là phải sau 12 năm thực hiện chủ trương này của Chính phủ. Đó là một dấu ấn cần ghi nhận.

Nhưng do nền kinh tế quốc gia bị suy thoái, ngành sản xuất nào cũng có hàng tồn khá lớn, trong đó có đường, và tất nhiên do sức mua giảm đã dẫn đến giá bán giảm.

Năm nay, sức mua của thị trường theo tính toán thì đủ, nhưng do suy thoái kinh tế nên đủ thành dư, bởi nhiều DN sử dụng đường để sản xuất thực phẩm, nước ngọt, nhất là bánh kẹo, phải thu hẹp quy mô.

Bên cạnh đó, đường nhập lậu ngày một tăng, đã tạo áp lực rất lớn cho các DN mía đường. Sản lượng đường trong nước đã đủ, thậm chí thừa, giờ thêm đường nhập lậu, càng thêm thừa. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ tạm trữ đường nên DN đường phải tự gánh.

Với mức lãi suất ngân hàng từ 10 - 12%/năm, nếu giữ đường trong kho càng nhiều, càng lâu thì DN đường càng lỗ, có khi phải bán tháo, làm cho giá đường trên thị trường càng giảm.

Vì thế mà giải pháp của các DN đường là giảm giá thu mua mía, làm cho nông dân phải tính toán đến việc trồng mía, đây chính là vòng luẩn quẩn mà người ta hay nói nguyên liệu năm quá thừa, năm quá thiếu là vì vậy.

Tôi nghĩ Nhà nước cần can thiệp thông qua một số chương trình cụ thể như hỗ trợ tạm trữ đường, đồng thời ngăn chặn tối đa việc nhập lậu đường.

Nhập lậu đường tạo sự cạnh tranh không bình đẳng vì đường nhập lậu giá rẻ hơn khá nhiều do không phải tốn đồng tiền thuế nào, trong khi các DN đường Việt Nam phải chịu 10% các khoản thuế.

Ví dụ giá đường bình quân 15.000 đồng/kg, DN đường trong nước phải "bù” 1.500 đồng tiền thuế.

* Với giá đường như vậy, liệu DN đường có thể có mức lợi nhuận đủ để tồn tại, thưa ông?

- Mặc dù ngành đường đang có 39 công ty với 41 nhà máy, nhưng trình độ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, công suất đều khác nhau, bố trí vùng miền cũng khác nhau, dẫn đến chi phí sản xuất khác nhau.

Nhưng nhìn chung, với giá đường có thời điểm xuống tới 13.000đ/kg thì DN lỗ. Để tồn tại trong xu thế cạnh tranh như hiện nay, các DN đường phải tổ chức lại cách quản trị, thậm chí có thể mua đứt của nhau hay cùng nhau sáp nhập để tạo sức mạnh nội tại.

* Ông có thể so sánh ngành đường Việt Nam với ngành đường các nước trong khu vực?

- Hiện nay, thế giới sản xuất khoảng 175 - 180 triệu tấn đường/năm. Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu tấn đường/năm, con số này còn quá nhỏ bé. Hiện nay hầu như tỉnh nào cũng có mía đường.

Có vùng trồng mía tập trung và vùng không tập trung. Muốn có lợi thế cạnh tranh phải có vùng mía tập trung, phải có cơ quan nghiên cứu để tạo ra những giống mía phù hợp với từng vùng.

Những cánh đồng mía có năng suất cao, trữ đường cao, sẽ cho ra lượng đường cao. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa có những giống mía cho năng suất thật cao đi kèm trữ đường cao.

Việt Nam chưa có viện nghiên cứu, phát triển nhiều giống mía có trữ đường cao như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan... thì tôi nghĩ rằng chỉ có thể đạt được mức đảm bảo được lượng đường tiêu dùng trong nước, khoảng 2 triệu tấn/năm, đã là tốt.

* Kinh qua nhiều vị trí công tác, bây giờ làm lãnh đạo DN của một đơn vị với khá nhiều cổ đông, ông bị áp lực nhất ở cương vị nào?

- Mỗi một vị trí có áp lực khác nhau. Vị trí càng cao thì áp lực càng lớn. Làm tổng giám đốc một công ty đường và cũng là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, áp lực đối với tôi là trách nhiệm đối với cổ đông, họ luôn mong muốn cổ tức cao, trị giá cổ phiếu lớn.

Muốn đạt được điều đó phải dựa trên giá trị sản xuất và hiệu quả hoạt động của DN. Tôi phải luôn cân nhắc làm sao để đáp ứng được những kỳ vọng đó.

Thứ hai, trách nhiệm của Công ty đối với khách hàng không chỉ là sản phẩm mà còn là thương hiệu, phải làm sao nói đến các sản phẩm của Bourbon là khách hàng nghĩ đến chất lượng cao, như đường tinh luyện siêu sạch đạt chuẩn đường Sac >= 99,9%, có độ ngọt thanh, độ hòa tan tốt, như đường vàng tinh thiên nhiên GoldSu.

Gần đây, nhằm đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, cùng với xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, tự nhiên, SBT đã đầu tư, nghiên cứu, tuyển chọn gắt gao nguồn mía không thuốc trừ sâu rầy, đảm bảo lượng khoáng chất, Vitamin trong tự nhiên của cây mía vẫn còn khi qua chế biến.

Để khách hàng gắn bó lâu dài với mình, trách nhiệm bảo vệ môi trường càng phải cao. Đó là trách nhiệm mang tính trường tồn của DN. Thứ ba, áp lực với cán bộ - nhân viên, phải đảm bảo thu nhập của họ ngày một tăng, việc làm ổn định.

Thứ tư, trách nhiệm xã hội, phải đảm bảo được lợi nhuận để thực hiện nghĩa vụ của DN đối với xã hội và chính quyền, nhân dân nơi DN trú đóng. Đó cũng là trách nhiệm cộng đồng.

* Tốt nghiệp cử nhân kinh tế công nghiệp, những kiến thức từ ghế nhà trường có giúp nhiều cho công tác điều hành DN của ông?

- Kiến thức nhà trường là kiến thức cơ bản, rất cần thiết cho người đứng đầu DN. Để biến kiến thức đó thành năng lực, tôi cũng như các CEO khác phải cập nhật kiến thức từ thực tế điều hành DN, từ những khóa học kinh doanh, không chỉ ở trường lớp mà còn qua sách vở và các kênh truyền thông. Có như vậy mới đưa DN đi đến thành công.

* Cám ơn ông về những chia sẻ cởi mở!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngọt, đắng cùng... đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO