Ngày 20/10 diễn ra Vòng thi đặc biệt

PHƯƠNG THANH - Ảnh: QUÝ HÒA - VÂN THẢO| 18/10/2016 08:46

Vòng thi đặc biệt và Lễ tổng kết - Trao giải Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) sẽ diễn ra vào sáng 20/10/2016.

Ngày 20/10 diễn ra Vòng thi đặc biệt

Vòng thi đặc biệt và Lễ tổng kết - Trao giải Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) sẽ diễn ra vào sáng 20/10/2016. Tại buổi lễ, 20 sinh viên - chủ nhân của 13 đề án kinh doanh đoạt giải sẽ được vinh danh Tài năng Lương Văn Can.

Đọc E-paper

Như vậy có 167 Tài năng Lương Văn Can sau 6 mùa giải. Tuy nhiên, con số này chưa nói hết được ý nghĩa của cuộc thi mang tên nhà chí sĩ yêu nước, người được tôn vinh là “người thầy của giới doanh nhân Việt Nam” - danh nhân Lương Văn Can, do Báo Doanh Nhân Sài Gòn sáng lập và thực hiện.

Sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp đều “được”

GTTNLVC 2016 - mùa giải thứ sáu của Chương trình được khởi động từ ngày 1/3/2016. Cũng từ thời điểm này, chương trình Giao lưu Doanh nhân - Sinh viên được triển khai. Có thể nói, đây là hoạt động có quy mô lớn nhất, sôi nổi nhất và cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất của Chương trình.

Giao lưu doanh nhân - sinh viên tại ĐH Mở TP.HCM

Chuỗi giao lưu doanh nhân - sinh viên năm 2016 được tổ chức tại 9 trường đại học (ĐH) trên cả ba miền đất nước, gồm: ĐH Mở TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ĐH Ngoại thương - Cơ sở 2 TP.HCM, ĐH Đồng Tháp và ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội). 'Qua hoạt động này, hàng ngàn sinh viên đã có cơ hội giao lưu trực tiếp với các doanh nhân thành đạt.

ThS. Võ Thanh Tùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp phát biểu chào mừng các doanh nhân đến giao lưu tại Trường

Tại các buổi giao lưu, các doanh nhân - diễn giả đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp những tư vấn thiết thực và thẳng thắn chỉ ra “lỗ hổng” tư duy để sinh viên kịp thời chấn chỉnh và chuẩn bị hành trang “trí và lực” phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng bước vào “sân chơi” hội nhập.

Sinh viên ĐH Văn Hiến giao lưu với doanh nhân

Đồng hành cùng Báo Doanh Nhân Sài Gòn trong chương trình này, nhiều doanh nhân đã có mặt “trên từng cây số” trong cả 6 mùa giải qua; một số người sau khi có thông tin về mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Chương trình đã chủ động đề nghị tham gia. Tất cả đều mang đến Chương trình tâm huyết giúp giới trẻ tri thức trở thành lực lượng lao động ưu tú trong xã hội - vừa biết làm giàu cho bản thân, vừa góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh.

Đây cũng chính là một trong những cách để họ thực thi sứ mệnh của một doanh nhân chân chính - góp phần phát triển nền kinh tế và nâng tầm uy tín quốc gia.

Sinh viên ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 TP.HCM đặt câu hỏi với các doanh nhân

Nhận rõ ý nghĩa thiết thực và sâu xa mà hoạt động này mang lại cho sinh viên, nhiều trường ĐH đã tham gia “sâu” vào Chương trình, bằng việc chủ động sắp xếp lịch, huy động sinh viên tham gia và chuẩn bị chu đáo khâu “hậu cần” để các sinh viên có thể tận dụng tối đa thời gian “khai thác” các kiến thức, kinh nghiệm từ những “người thầy ngoài giảng đường” - doanh nhân. 

Chuỗi giao lưu doanh nhân - sinh viên mùa giải 2016 còn chứng minh một ý nghĩa khác của chương trình - là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường.

TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hutech chia sẻ về nguyện vọng kết nối sinh viên với doanh nghiệp

Phát biểu trong buổi giao lưu được tổ chức tại ĐH Hutech, TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ nhà trường luôn cố gắng kết nối sinh viên với doanh nghiệp thông qua những ngày hội việc làm hoặc những học kỳ thực tập tại doanh nghiệp nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức, kinh nghiệm thực tế, hiểu được nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó, sinh viên biết được mình cần tu dưỡng, bổ sung những gì để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại ĐH Kinh tế luật TP.HCM

Đáp lại, Tổng giám đốc Khách sạn Rex Phan Thanh Long muốn được biết cụ thể nhu cầu, mục tiêu đào tạo của nhà trường để có thể bố trí công việc phù hợp giúp sinh viên thực tập tại doanh nghiệp nơi ông công tác, nhằm giúp sinh viên thu nhận được những kiến thức, kỹ năng thiết thực nhất, củng cố kiến thức đã học trong trường.

Các doanh nhân giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food cũng cho biết công ty bà sẵn sàng đón nhận sinh viên đến làm thêm để tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp, bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng để có sự trang bị kỹ lưỡng hơn trước khi chính thức hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.

Một hoạt động nữa cũng mang ý nghĩa kết nối sinh viên - doanh nghiệp mới được đưa vào mùa giải năm nay là chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” dành cho các thí sinh có đề án đoạt giải. Theo đó, các Tài năng Lương Văn Can được tham gia khóa đào tạo ngắn nhưng đủ cả hai phần lý thuyết và thực hành về hoạt động của một doanh nghiệp mà giảng viên chính là các doanh nhân đang điều hành công ty.

Sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn đặt câu hỏi với các doanh nhân

Với sự hỗ trợ của Học viện Quốc tế BMG, Công ty CP Sài Gòn Food và Công ty CP Giao nhận vận tải Mỹ Á, các sinh viên ngoài được trang bị kiến thức về quản trị, marketing, còn được tiếp cận với quy trình dịch vụ và sản xuất thực tế để có thể hình dung một cách cụ thể hơn về cơ cấu và quy trình hoạt động của một doanh nghiệp.

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp

Trong mùa giải 2016, 4.250 thí sinh đến từ 46 trường ĐH, học viện và cao đẳng trong và ngoài nước đã được tiếp cận với đạo lý làm giàu “trung thực - hiếu nghĩa” của danh nhân Lương Văn Can khi tham gia thi Vòng 1 - Trắc nghiệm trực tuyến về kiến thức kinh tế, xã hội, tư tưởng làm giàu của danh nhân Lương Văn Can và khả năng Anh ngữ.

Thí sinh thuyết trình tại Vòng chung khảo

279 thí sinh trong số đó được đi tiếp vào Vòng 2 - Phát triển ý tưởng kinh doanh. 60 thí sinh được chọn vào Vòng chung khảo - Thuyết trình và bảo vệ đề án kinh doanh. Từ vòng thi thứ hai trở đi, các thí sinh được làm việc và nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ các giám khảo - là các chuyên gia, doanh nhân đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Nhận xét về nội dung và chất lượng đề án dự thi năm nay, ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark, Phó chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi cho biết: “Các thí sinh tham gia Giải thưởng năm nay nhìn câu chuyện kinh doanh nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn, nhiều ý tưởng sáng tạo và tâm huyết triển khai thực hiện.

Năm nay, rất nhiều thí sinh có ý tưởng khởi nghiệp về nông nghiệp (các đề án về sản xuất phân bón, rau sạch, nuôi trồng, sản phẩm sức khỏe...). Xu hướng kinh doanh trên mạng cũng thu hút nhiều bạn trẻ với các ý tưởng làm phần mềm, app tiện ích, đào tạo online... Một số khác đi theo mảng dịch vụ (dịch vụ giao hàng, nhà hàng, quán nước...). Cách trình bày đề án cho thấy các em rất tâm huyết với ý tưởng của mình, đặc biệt là với các em đã triển khai thực tế, có sản phẩm mẫu.

Thí sinh trình bày sản phẩm mẫu với các giám khảo

Song, như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác, nhất là các sinh viên chưa rời khỏi ghế nhà trường, các thí sinh vẫn còn thể hiện suy nghĩ về kinh doanh khá đơn giản, thiếu những góc nhìn về hướng khả thi của đề án, chưa tìm hiểu nhiều về những rủi ro tiềm ẩn. Các bạn trẻ vốn còn thiếu năng lực quản trị và điều hành nên đề án chưa thể hiện được các kế hoạch cụ thể về tài chính, nhân sự, mà mới chỉ đi sâu vào mảng bán hàng, marketing. Các “doanh nhân tương lai” cũng ít chú ý đến nguồn nguyên liệu, hay tạo sự khác biệt cho sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh...

Tuy nhiên, trên tất cả, một điểm rất đáng trân trọng là các em đều thể hiện rõ trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng. Đề án nào cũng là một câu chuyện nhân văn trong kinh doanh, điều này thật đáng quý, thể hiện sự khác biệt của một đề án khởi nghiệp từ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can”.

Giao lưu doanh nhân - sinh viên tại ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

Giúp thí sinh thấu hiểu đạo đức kinh doanh trước khi chính thức bước chân vào con đường làm kinh tế; hướng dẫn thí sinh viết ý tưởng, lập đề án kinh doanh (từ tóm tắt đến chi tiết); phản biện để thí sinh nhận ra những “lỗ hổng” và giúp họ hoàn thiện đề án; tập huấn kỹ năng trình bày đề án trước nhà đầu tư...

Có thể thấy các bước trong “dây chuyền” thi này không khác hoạt động của một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Và Vòng thi đặc biệt - Bảo vệ đề án kinh doanh trước Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia, doanh nhân và nhà đầu tư có thể xem là bước cuối cùng trong quy trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình. Bởi, sau khi đã được các giám khảo hỗ trợ hết mình để hoàn thiện đề án lý thuyết, đây chính là lúc để chủ đề án thuyết phục nhà đầu tư nhằm gọi vốn - triển khai đề án kinh doanh của mình.

Thí sinh thi Vòng chung khảo nghe giám khảo phản biện

Tại Vòng thi đặc biệt - Tranh giải Nhất, Nhì, Ba của GTTNLVC 2016, ba thí sinh sẽ được trực tiếp trình bày đề án kinh doanh của mình với các nhà đầu tư. Nhưng cơ hội cũng rộng mở với 17 thí sinh có 10 đề án kinh doanh đoạt giải còn lại, bởi GTTNLVC vốn đã là một chương trình được cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt, và tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng của cuộc thi đã được chứng minh qua 5 mùa giải trước.  

Đề án - Thí sinh đoạt giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2016

STTĐỀ ÁNTHÍ SINHTRƯỜNG
1Nước mắm sốt meNguyễn Cao MinhĐH Đồng Tháp
2Tư vấn, thiết kế, xây dựng vườn rau sạch tại nhàTrần Phi SơnĐH Đồng Tháp
3Nước mát củ sen DOSEN

Cao Thị Bích Ngân

Nguyễn Thị Huyền Trang

Nguyễn Đạt Nhân

ĐH Đồng Tháp

ĐH Đồng Tháp

ĐH Đồng Tháp

4Giày bảo vệ XandraHồ Kim ThảoĐH Kinh tế - Luật
5Kem đánh răng hữu cơ DENNIS

Nguyễn Trần Diễm Phương

Lê Thị Việt Thương

ĐH Kinh tế - Luật

ĐH Kinh tế - Luật

6Cao lá sâm Ngọc Linh - Elite GinsengBùi Như ViênĐH Kinh tế TP.HCM
7Dịch vụ giao hàng tận nhà Chổi BayPhan Huỳnh Xuân ThịnhĐH Mở TP.HCM
8Trung tâm Giao dịch và Hỗ trợ ý tưởng Idea Hub

Nguyễn Xuân Khoa

Lê Thị Kim Khang

ĐH Mở TP.HCM

ĐH Mở TP.HCM

9Kệ gỗ di động GHÉP

Nguyễn Thị Thúy Duy

Phan Khải Minh

ĐH Ngân hàng TP.HCM

ĐH Ngoại thương CS 2

10MENTOR RING - Chương trình cố vấn chuyên nghiệp cho sinh viên

Trần Hậu Minh Phương

Nguyễn Dương Thanh Thảo

ĐH Ngoại thương CS 2

ĐH Ngoại thương CS 2

11Phỗng gạo tí honĐồng Văn HướngĐH Ngoại thương
12Sản xuất phân bón hữu cơ - dịch bánh dầu thủy phân

Lê Long Đỉnh

Trần Thị Thảo Nguyên

ĐH Nông Lâm TP.HCM

ĐH Nông Lâm TP.HCM

13Quán cà phê Nhà tò heNguyễn Minh VũĐH Việt Đức

>6 thí sinh vào vòng thi đặc biệt GTTNLVC 2014

>3 thí sinh vào Vòng đặc biệt

>13 đề án đoạt giải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày 20/10 diễn ra Vòng thi đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO