Ngành thép sẽ không còn được ưu đãi thuế?

Tường Linh| 12/08/2019 06:00

Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện nay. Việc tăng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng sẽ làm tăng ngân sách thêm 3.152 tỷ đồng...

Ngành thép sẽ không còn được ưu đãi thuế?

Tăng thuế suất nhập khẩu sẽ làm dịch chuyển thương mại sang quốc gia có thuế suất ưu đãi

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành.

Bộ Tài chính cho biết, thống kê số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 năm 2018 đạt 5,3 triệu tấn với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,09 tỷ USD. Trong đó, 88% tổng kim ngạch nhập khẩu chịu thuế suất MFN là 0%. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó 40% là nhập từ Trung Quốc. "Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường thép Việt Nam", Bộ Tài chính nhận định.

Link bài viết

Báo cáo của Hiệp hội Thép, Việt Nam đã tự sản xuất được một số sản phẩm thép cuộn cán nóng, đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu. Dự kiến cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên 70% khi nhà máy của Công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và của Công ty Formosa đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

"Mặt hàng thép cán nóng là đầu vào sản xuất thép cán nguội và các mặt hàng tôn mạ màu có mức thuế suất cơ bản từ 5-25%, như vậy phù hợp với nguyên tắc thuế nhập khẩu tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm", Bộ Tài chính cho biết.

Đánh giá về tác động của đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng khả năng tăng thu ngân sách nhà nước với số thuế nhập khẩu tăng là 137,15 triệu USD, tương đương 3.152 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi mức thuế suất được tăng lên 5% thì các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nhập khẩu từ các nước có thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% (như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc). Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước thực tế sẽ thấp hơn con số tính toán nêu trên. Đồng thời việc tăng thuế suất lên 5% dẫn tới sự dịch chuyển thương mại sang các nước có ký FTA với Việt Nam để hưởng thuế suất 0%. 

Nhưng để đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí xin giấy chứng nhận xuất xứ và tìm đối tác nhập khẩu mới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên 5% sẽ có tác động đến chi phí nhập khẩu của doanh nghiệp.

Giải tỏa nghi vấn thị trường thép không gỉ cán nguội độc quyền

Một vấn đề khác của ngành thép đó là nghi vấn thị trường thép không gỉ cán nguội độc quyền. Bộ Công Thương cho biết, không có cơ sở để nói độc quyền. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ làm rõ thông tin này.  Theo Bộ Công Thương, sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chỉ chiếm 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào độc quyền về nhóm sản phẩm thép không gỉ cán nguội.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc làm rõ về thông tin thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng với nguyên nhân là do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép cán nguội không gỉ từ năm 2014.

Văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ: Về việc áp thuế, năm 2013 Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước với thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Bộ Công Thương đã tiến hành thẩm định hồ sơ, điều tra và thẩm tra tại chỗ đối với các thông tin và cho thấy có hành vi bán phá giá gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Kết luận điều tra bản công khai đã được Bộ Công Thương gửi đến tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Về thông tin áp thuế chống bán phá giá tạo ra độc quyền, Bộ Công Thương viện dẫn: Theo Hiệp hội thép Việt Nam, hiện nay có 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội dạng cuộn/tấm, trong đó chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ như để sản xuất ống thép, bình đựng nước... mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH Posco VST là 207.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng của ngành.

Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (200.000 tấn/năm) hay như Việt Quang…

Về tình hình nhập khẩu kể từ khi áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương thống kê có sự tăng mạnh từ năm 2013. Vào tháng 5/2016, khi rà soát mức thuế chống bán phá giá tăng lên, lượng nhập khẩu giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước khi áp thuế chống bán phá giá. Như vậy, tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp chống bán phá giá vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Cụ thể, từ 1/7/2017 tới 30/6/2018, nhập khẩu thép không gỉ vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước, sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 42,8% tiêu thụ.

"Sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chỉ chiếm 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào độc quyền về nhóm sản phẩm này", Bộ Công Thương khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành thép sẽ không còn được ưu đãi thuế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO