Công nhân lắp ráp linh kiện ô tô tại nhà máy Ford Việt Nam. Ảnh: Trí Toàn |
Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải chủ động trang bị công nghệ, quản trị, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chủ động kết nối với doanh nghiệp đầu cuối.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện tử và linh kiện đạt 18,96 tỷ USD, tăng gấp 4,07 lần so với năm 2011. Xuất nhập khẩu các sản phẩm linh kiện điện tử có tốc độ tăng trưởng khá, trong đó linh kiện, phụ tùng điện thoại, mạch điện tử tích hợp, linh kiện máy tính đạt vị thế xuất siêu.
Trong ngành ô tô, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 3,5 tỷ USD phụ tùng linh kiện và xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn như Toyota Việt Nam, trong năm 2017 đã xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang các nước với doanh thu 64 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cộng dồn của Toyota lên đến gần 465 triệu USD, kể từ khi thành lập.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đang có quy mô thị trường nhỏ, nhu cầu mua phụ tùng linh kiện trong nước thấp, chi phí sản xuất cao, giá xe cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể, sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất, chế tạo và quy trình tạo ra giá trị, như ô tô điện, ô tô tự hành, linh kiện được in từ công nghệ 3D...
Đánh giá về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương cho biết: "Lâu nay người ta hay nói doanh nghiệp Việt không làm được ốc vít cho Samsung nhưng phải nói chính xác là doanh nghiệp Việt không thể làm ốc vít với giá mà Samsung đưa ra". Vấn đề của doanh nghiệp Việt là làm sao để có thể sản xuất được cả triệu con ốc vít với chất lượng như nhau, giá thành thấp.
Với việc tác động rất lớn từ công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ cần thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, hạ tầng IT, chuỗi giá trị. Quan trọng không kém là phải ứng dụng những phương thức quản lý hiện đại, bởi đây chính là nền tảng để đảm bảo cho sự thành công của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công nghiệp ô tô. Các doanh nghiệp phải chủ động cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu cuối, đây là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Dương Hiệu - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit, muốn trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần tăng cường quản trị nội bộ, đầu tư hệ thống kiểm soát, đặc biệt là phải tự tính toán đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải được tiếp cận nhu cầu của doanh nghiệp FDI, chất lượng mà họ yêu cầu doanh nghiệp nội địa. Điều này đỏi hỏi cơ quan quản lý phải tạo hành lang pháp lý, định hướng xu hướng và lộ trình phát triển, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn để doanh nghiệp phấn đấu đạt được.
Ngoài những yếu tố trên, theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, doanh nghiệp cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để tạo thuận lợi kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hơn một năm nay, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng dữ liệu và chủ động "xin" thông tin từ doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp thờ ơ, số doanh nghiệp đồng ý cung cấp thông tin thì lại cung cấp không đầy đủ, không chi tiết nên đến nay, Sở chỉ mới có dữ liệu của hơn 500 doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Công Thương khuyên doanh nghiệp tranh thủ tìm kiếm thị trường nước ngoài. Có những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước không đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa nhưng có thể tham gia một số phân khúc ở thị trường nước khác.
"Chúng tôi tiếp nhiều doanh nghiệp các nước đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác, mua hàng. Họ đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng, nghĩa là cơ hội chúng ta có thể tham gia rất nhiều nếu nỗ lực. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải chuẩn hóa các yêu cầu về hàm lượng hóa chất, tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý năng lượng, môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, chủ động kết nối với doanh nghiệp đầu cuối", bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chia sẻ.
Hiện đã có nhiều chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, như Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm đưa công nghiệp hỗ trợ trở thành một ngành công nghiệp bền vững. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành chương trình kết hợp bố trí vốn vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước phát triển chương trình nhà cung cấp. Theo đó, những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hỗ trợ sẽ được doanh nghiệp đầu cuối hỗ trợ trực tiếp nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, từng bước đạt tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia sâu hơn và bền vững hơn trong chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ toàn cầu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thiết lập liên minh doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp đầu cuối và doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới.