Tín dụng tăng chậm: Do doanh nghiệp hay ngân hàng?

Anh Khoa| 26/06/2020 06:00

Đã gần nửa năm trôi qua, nhưng việc cho vay của hệ thống ngân hàng (NH) vẫn khá trì trệ, thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đó là hệ quả tất yếu trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những rủi ro trong nền kinh tế quay trở lại.

Nhu cầu vay thấp

Theo số liệu cập nhật mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến ngày 16/6/2020 chỉ đạt 2,13% so với đầu năm, chưa đến 1/2 mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019 (5,4%). Đây cũng là mức tăng thấp nhất tính từ năm 2014 đến nay. Nếu nhìn lại mức tăng 1,96% tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu tháng 6 chỉ đạt 0,17%, trong khi đây là tháng tín dụng tăng tốc mạnh mẽ.

Sự trì trệ của tín dụng thể hiện rộng khắp ở các lĩnh vực. Ngoại trừ dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 4,94% so với đầu năm, lĩnh vực công nghệ và công nghiệp phụ trợ chỉ tăng tương ứng 2,92% và 2,27%, trong khi dư nợ nông nghiệp nông thôn tăng 0,3%, thậm chí tín dụng cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ và tín dụng tiêu dùng cũng giảm, dù đây là hai lĩnh vực thường có nhu cầu vay rất cao.

BS-nganhang-5241-1593070223.jpg

Nếu nhìn lại hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay, có thể thấy diễn biến khá phập phù. Cụ thể, sau khi đạt mức tăng trưởng 1,1% vào cuối tháng 1, đến nửa đầu tháng 4 giảm 0,43%, nửa cuối tháng 4 tăng lại được 0,55% nhưng tiếp đó nửa đầu tháng 5 lại giảm 0,22%. Tính theo con số tăng trưởng 2,13% đến giữa tháng 6, thì dư nợ tuyệt đối tăng ròng từ đầu năm đến nay của ngành NH chỉ vỏn vẹn hơn 174.000 tỷ đồng.

Ngay cả đầu tàu kinh tế là TP.HCM cũng không khá gì hơn, với dư nợ tín dụng trên địa bàn hiện ước đạt 2,35 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,52% so với cuối năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng tới 7,51% của cùng kỳ năm 2019. Theo chia sẻ từ NHNN chi nhánh TP.HCM, một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, đơn cử như tín dụng ngành vận tải, kho bãi giảm 6,1%, thông tin truyền thông giảm 11%, cung cấp nước, khai khoáng giảm 15,5%, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 1%...

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cũng cho rằng, việc tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Nền kinh tế đã gần như tạm nghỉ trong cả tháng 4 vì giãn cách xã hội. Dù ngành NH vẫn được phép hoạt động, nhưng nhiều DN phải tạm dừng vì lo sợ lây lan dịch bệnh, hoặc không có đơn hàng, không có nguyên vật liệu để sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn.

Ngược lại, không loại trừ khả năng những DN đang có nợ vay NH cũng tất toán nợ vì không có nhu cầu sử dụng tiền, trong khi đối với khách hàng cá nhân, việc thắt chặt chi tiêu trong thời điểm này là thượng sách.

Nền kinh tế chỉ mới bắt đầu vận hành trở lại từ đầu tháng 5, nhưng mọi thứ vẫn diễn ra rất chậm và rõ ràng chưa thể về lại mức bình thường như trước dịch, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và là đối tác thương mại của Việt Nam dịch bệnh vẫn lây lan.

Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1% so cùng kỳ, doanh số bán lẻ giảm 3,9% so cùng kỳ 2019, trong khi chỉ số quản trị nhà mua hàng tháng 5 dù tăng 10 điểm so tháng 4, lên 42,7 điểm, nhưng vẫn ở dưới mức trung tính 50 điểm, cho thấy các điều kiện trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục bị thu hẹp.

Ngân hàng sợ nợ xấu

Đứng về phía NH, nỗi lo sợ nợ xấu quay trở lại chưa bao giờ lớn như thế trong nhiều năm trở lại đây, khi số DN có nguy cơ phá sản trong thời gian tới không phải là nhỏ. Vì vậy, một mặt các nhà băng vừa có các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng, một mặt luôn phải đánh giá rủi ro khách hàng một cách chính xác nhất để có các giải pháp thu hồi, xử lý nợ.

657657-1354-1593070223.jpg

Cũng cần biết rằng chính sách hỗ trợ DN với phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng vay vốn đến từ chính nguồn lực của ngành NH. Chương trình tín dụng này được các tổ chức tín dụng triển khai từ nguồn huy động tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, do vậy người đứng đầu NHNN cũng đặt ra yêu cầu cho các tổ chức tín dụng là phải bảo đảm an toàn vốn vay, an toàn hoạt động để không gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Đối với việc cho vay, rõ ràng rất khó để mạo hiểm đẩy mạnh vốn ra trong thời buổi khó khăn như hiện nay, nên nhiều NH không thể hạ các tiêu chuẩn tín dụng, chưa nói đến việc càng thắt chặt các điều kiện vay vốn. Vì nếu hạ chuẩn cho vay, phá vỡ các tiêu chí thì sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như giai đoạn trước đây. Và khi hệ thống NH bị ảnh hưởng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn tới nền kinh tế.

Trong khi đó, số lượng DN tốt đảm bảo các điều kiện để vay vốn trong thời điểm hiện nay cũng chiếm tỷ trọng không quá lớn, và phần nhiều những DN này đang có một kênh huy động vốn ưa thích khác là trái phiếu DN.

Cũng có ý kiến cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao so với tình hình khó khăn của DN, dù mặt bằng lãi suất tiền gửi thời gian qua đã giảm đáng kể và nhiều NH tung ra các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, chương trình này dù được truyền thông rầm rộ nhưng thực tế triển khai đến đâu vẫn chưa thấy rõ, và khả năng nhiều DN khó lòng đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo chính sách này.

Đơn cử như gói tín dụng 16.000 tỷ đồng đã được NHNN tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 0%/năm, nhằm hỗ trợ DN giữ chân người lao động lành nghề, có năng lực, trình độ sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng thực tế cho đến nay vẫn chưa có DN nào tiếp cận được gói tín dụng này, vì các điều kiện quá khắt khe và bất khả thi đối với những công ty đang gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng tăng chậm: Do doanh nghiệp hay ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO