Ngân hàng ngoại bắt đầu tham gia trái phiếu

Anh Khoa| 26/08/2020 07:00

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên nóng sốt trong hơn hai năm qua, với sự tham gia tích cực của không chỉ doanh nghiệp mà còn từ chính các ngân hàng (NH). Và mới đây thị trường đón nhận thêm thương vụ phát hành trái phiếu đầu tiên của một NH ngoại tại Việt Nam.

Thương vụ của HSBC

Ngày 10/8/2020 vừa qua, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam đã trở thành NH nước ngoài đầu tiên phát hành trái phiếu tổng trị giá 600 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Với mệnh giá 100.000đ/trái phiếu, trái phiếu với tên gọi Hoa Sen, có lãi suất phát hành ở mức cố định 5,8%/năm trên mệnh giá và kỳ hạn 3 năm. 

Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: "Số tiền từ đợt phát hành sẽ được HSBC Việt Nam sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn tiền đồng nhằm phục vụ việc tăng trưởng kinh doanh bền vững của ngân hàng trong thời gian sắp tới".

HSBC Việt Nam từng thu xếp nhiều đợt huy động vốn lên đến cả tỷ USD cho các định chế tài chính tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 10/2009, HSBC đã huy động được 8.412 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu tiền đồng, bao gồm trái phiếu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

bai-2-ngan-hang-6898-1598411589.jpg

Tiếp đó, vào tháng 5/2012, HSBC đóng vai trò NH đồng dựng sổ và quản lý chính cho giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trị giá 250 triệu USD. Năm 2014, HSBC đóng vai trò NH giữ sổ và phụ trách chào bán trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong đợt phát hành thành công trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm bằng đô la Mỹ với tổng giá trị 1 tỷ USD, nhưng đây mới là lần đầu tiên NH này tự phát hành trái phiếu để tự huy động vốn.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã rớt xuống mức khá thấp trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu dài hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích khi xu hướng lãi suất gia tăng trở lại. Vì vậy, việc nhiều NH phát hành trái phiếu kỳ hạn trong thời gian qua cũng không có gì lạ. Điều đáng lưu ý là giờ đây "cuộc chơi" đã bắt đầu có sự tham gia của những NH ngoại tại Việt Nam.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay đã giảm mạnh, từ 0,5-1% tùy theo kỳ hạn so với đầu năm, rớt về vùng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh đầu ra tín dụng gặp nhiều khó khăn, khi hoạt động của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh vẫn chưa hồi phục, sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế suy yếu, các NH cũng không có động lực huy động vốn bằng mọi giá.

Chờ đợi những thương vụ khác?

Hiện tại Việt Nam có 9 NH 100% vốn nước ngoài, gồm ANZ, Hong Leong, HSBC, Shinhan, Standard Chartered, Public Bank, CIMB, Woori và UOB, trong đó HSBC Việt Nam là NH 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam vào tháng 9/2008 và cũng là NH ngoại có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay, ở mức 7.528 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện của HSBC thì đợt phát hành trái phiếu đầu tiên này thể hiện cam kết của HSBC đối với Việt Nam và sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. HSBC dự định sẽ có các đợt phát hành tiếp theo khi phát sinh nhu cầu.

545354335-1228-1598411589.jpg

Cần biết rằng các NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng phải theo lộ trình áp dụng cách tính toán hệ số an toàn vốn mới (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ đầu năm 2020, với những quy định chặt chẽ hơn rất nhiều, đã gây áp lực tăng vốn tự có của các nhà băng trong suốt những năm qua, cũng như kích thích phát hành trái phiếu dài hạn của các NH tăng trưởng mạnh để bổ sung vốn tự có cấp 2.

Thống kê trong 7 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên gần 179.500 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm tổ chức tín dụng đã phát hành gần 56.000 tỷ đồng, chiếm hơn 31%. Hai nhà băng phát hành nhiều nhất là BIDV với gần 15.400 tỷ đồng và HDBank với gần 10.900 tỷ đồng, xếp thứ ba là VPBank với 7.000 tỷ đồng.

Về cơ bản, các NH nước ngoài tại Việt Nam cũng có thể nhận thêm vốn rót từ NH mẹ để tăng vốn điều lệ để đáp ứng cả chuẩn an toàn mới, cũng như có thêm nguồn trung dài hạn bền vững để phục vụ cho các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào định hướng, chiến lược phát triển của các tập đoàn mẹ ở nước ngoài có muốn mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, cũng như hiệu quả kinh doanh của tập đoàn mẹ.

Đầu tháng 8 này, Tập đoàn Dịch vụ Tài chính và Ngân hàng HSBC có trụ sở Luân Đôn công bố lợi nhuận sau thuế của đạt 3,1 tỷ USD, trong khi lợi nhuận trước thuế là 4,3 tỷ USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Phương án thứ hai là chính các NH nước ngoài này phải tự tìm kiếm nguồn vốn dài hạn tại thị trường Việt Nam. Do đó, sau thương vụ của HSBC, không loại trừ khả năng sẽ có thêm các NH ngoại khác lựa chọn chiến lược phát hành trái phiếu để huy động vốn, khi mà những NH này không có quá nhiều lợi thế cạnh tranh để thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân trong nước như  các ngân hàng nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng ngoại bắt đầu tham gia trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO