Thời sự

Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của dòng vốn FDI

Nhật Hưng 08/08/2024 16:03

Ngày 8/8, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu ngân hàng HSBC công bố báo cáo, nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo đánh giá của các chuyên gia HSBC, Việt Nam có những nền tảng cơ bản thuận lợi để duy trì vị thế như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 10,764 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,968 tỷ USD và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,269 tỷ USD.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam tháng 1/2021 giảm 62.2% so với cùng kỳ | Vietstock
Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD

Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024, Singapore dẫn đầu với 4,55 tỷ USD, chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) với 1,31 tỷ USD, chiếm 12,1%, và Trung Quốc với 1,22 tỷ USD, chiếm 11,3%.

Vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm cũng được ghi nhận đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Dù Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI, nhưng vẫn tồn tại một số thách thức như thiếu hụt nhân lực chuyên môn và chi phí logistics, vận tải cao.

Theo các chuyên gia HSBC, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, cần mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước, giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI vào nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nội địa nói riêng.

Chẳng hạn, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ Synopsys mới đây ký thỏa thuận hợp tác làm việc cùng sinh viên và giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM trong thiết kế, đào tạo và nghiên cứu vi mạch.

Bên cạnh cân nhắc về thuế, các yếu tố như chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước.

Việc áp dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng hóa cũng cần được cải thiện, vì đây là những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng của dòng vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO