Ngân hàng đối diện với thách thức nợ xấu

Anh Khoa| 16/03/2020 06:00

Sau hai năm phục hồi và tăng trưởng mạnh, ngành ngân hàng đang đứng trước nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà có thể ảnh hưởng lên năng lực tài chính và lợi nhuận trong năm nay.

Ngân hàng đối diện với thách thức nợ xấu

Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đầu tiên, ảnh hưởng lên năng lực trả nợ vay; do đó ngân hàng sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng là tất yếu, với khả năng nợ xấu gia tăng trở lại.

Dự báo bi quan 

Hồi đầu tháng này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố báo cáo đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng (NH) Việt Nam 2020 và tác động của Covid-19. Theo đó cơ quan này bày tỏ kỳ vọng trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ cho phép các NH đạt chuẩn Basel II có khả năng tài chính tốt được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. 

Trước đó, vào cuối năm 2019, Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức “tiêu cực”, đồng thời hạ triển vọng tín nhiệm với 18 NH Việt Nam theo xếp hạng của quốc gia, mà không hoàn toàn dựa trên tình hình kinh doanh của các NH. Động thái trên của Moody’s khiến khả năng vay vốn quốc tế của các NH Việt Nam phần nào bị ảnh hưởng, khi có thể phải chấp nhận lãi suất vay cao hơn. 

Trong báo cáo lần này, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới này cũng cho rằng các NH quốc doanh và NH nhỏ sẽ cần tăng thêm vốn để hỗ trợ tăng trưởng tài sản trong khi vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn tối thiểu. Nỗi lo về nợ xấu của các NH Việt Nam sẽ chịu tác động từ dịch Covid-19 không phải là thiếu cơ sở. Mới đây, thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. 

Cụ thể, tính đến đầu tháng 3, đã có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn là nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...

Link bài viết

Nguồn thu nhập của NH không chỉ chịu ảnh hưởng từ hoạt động tín dụng, mà nguồn thu phí cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi giao dịch trong nền kinh tế có thể chậm lại. Gần đây đã có 32 NHTM quyết định đồng hành cùng NAPAS (đơn vị kết nối các ngân hàng và cung cấp cổng thanh toán đa dạng cho người sử dụng thẻ) triển khai chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đây mới là chính sách đầu tiên góp phần làm giảm ảnh hưởng do nguồn thu nhập từ dịch vụ giảm, và chưa ai biết được sẽ còn những chính sách hỗ trợ nào khác bởi dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên triển vọng lợi nhuận các nhà băng trong thời gian tới.

Tác động ngược lại nền kinh tế?

Có thể thấy, với việc nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, chuỗi cung ứng bị trì hoãn, gián đoạn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn đầu tiên, ảnh hưởng lên năng lực trả nợ vay, và do đó NH sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng là tất yếu, với nợ xấu gia tăng trở lại là có thể thấy trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp trong hai tháng đầu năm nay chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ 2019, giảm mạnh so với mức tăng đến 9,2% của hai tháng năm 2019. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy những tín hiệu tiêu cực, khi lần đầu tiên rớt về dưới mức 50 trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy mọi hoạt động của nền kinh tế đang co hẹp lại.

Ở phía cầu tiêu dùng, tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng hai tháng đầu năm cũng chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn mức tăng 12,2% của hai tháng đầu năm 2019. Rõ ràng với cầu tiêu dùng suy yếu, nguyên vật liệu đầu vào bị cắt đứt, các doanh nghiệp sẽ khó lòng mở rộng sản xuất, kinh doanh, ngay cả việc duy trì năng lực sản xuất cũng là điều khó khăn, dẫn đến giảm khả năng trả nợ NH, và doanh nghiệp có nợ vay ít cũng không dám vay thêm để mở rộng hoạt động.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/2/2020 giảm 0,18% so với đầu năm nay, còn nếu tính đến cuối tháng 2 theo cập nhật mới nhất chỉ tăng 0,06%. Thông tin từ NHNN cũng cho rằng chính sách tiền tệ chưa nới lỏng nên việc tăng trưởng tín dụng không dễ dàng, thậm chí không nằm ngoài nguy cơ không tăng trưởng được. 

Rõ ràng với việc tín dụng khó tăng trưởng trong khi nợ xấu tuyệt đối có nguy cơ gia tăng có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngành NH tăng mạnh trở lại. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến NHNN phải yêu cầu các NH có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tái cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay.

Bởi vì nếu nợ xấu tăng mạnh trở lại, các NH sẽ phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, thắt chặt các điều kiện vay để tránh phát sinh nợ xấu mới, đồng thời có động lực giữ lãi suất cho vay đủ cao để bù đắp thiệt hại từ các khoản nợ xấu cao hơn. Hệ quả là sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nói chung vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng đối diện với thách thức nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO