M&A ngân hàng và room ngoại

Anh Khoa| 03/02/2021 06:00

Ngành ngân hàng (NH) năm 2021 đang chờ đợi những thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) trong bối cảnh dòng vốn rẻ và thị trường chứng khoán đang có tiềm năng tăng trưởng giúp cổ phiếu ngành này thêm hấp dẫn. Dù vậy, vẫn còn đó những lực cản, trong đó room ngoại luôn thu hút sự quan tâm.

50-AGEZ-2262-1611736402.jpg

Chờ ngóng các thương vụ

Thương vụ BIDV phát hành riêng lẻ thành công 15% vốn cổ phần cho Ngân hàng Hana (Hana Bank) vào tháng 11/2019 đã được bình chọn là “Thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu Việt Nam năm 2019-2020”. Nhờ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống NH Việt Nam. Trước đó vào đầu năm 2019, Vietcombank cũng thành công với thương vụ bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình trạng đóng biên, giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia, khiến đầu tư và M&A phần nào trầm lắng. Dù vậy, ngành NH Việt Nam vẫn chứng kiến hai thương vụ tiêu biểu là OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác Aozora (Nhật Bản) và MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài như KIM Vietnam Growth Equity, ITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund, Fiera Capital...

Trong năm nay, các thương vụ M&A được cho là sẽ sôi động hơn, trong bối cảnh tiền rẻ tràn ngập và dòng vốn đầu tư toàn cẩu tỏa đi khắp nơi, tìm kiếm thị trường, lĩnh vực có tiềm năng sinh lãi. Việt Nam với điểm sáng chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng, trong khi thị trường chứng khoán đang trong xu thế tăng dài hạn với cổ phiếu NH nhiều tiềm năng, chắc chắn vẫn là điểm đến thu hút nhà đầu tư các nước.

Cụ thể như Vietcombank đang lên tiếp phương án phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài để tăng vốn, với đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank (trong đó có Mizuho). Vietinbank, BIDV sau khi tăng vốn nhà nước thành công cũng có thể mở đường bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là VietinBank sẽ được Chính phủ thí điểm nới room. Hay như Agribank đang thực hiện các bước cuối cùng để cổ phần hóa cũng mở ra cơ hội thu hút vốn khủng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong nhóm NH TMCP tư nhân, NamA Bank cũng có kế hoạch chào bán 143 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, khi room ngoại tại NH này vẫn còn nguyên 30%. NH TMCP Quốc dân sau một năm rưỡi làm việc với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore cũng từng cho biết hai nhà đầu tư này sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới. SCB cũng từng đưa ra kế hoạch phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cả nhà đầu tư nước ngoài. 

Lãnh đạo nhiều NH cũng cho biết đang đàm phán hoặc đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tăng vốn điều lệ, như LienVietPostBank, MSB, VPBank hay SHB... trong đó, MSB, VPBank và SHB đang xúc tiến bán công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FCCOM, FE Credit và SHB Finance.

Room ngoại

Dù cổ phiếu ngành NH Việt Nam luôn là lựa chọn của khối ngoại và là mục tiêu M&A của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, nhưng vấn đề room ngoại vốn đã được nói đến nhiều năm qua luôn là lực cản tác động đến quyết định đầu tư của những đối tác tiềm năng này. Dù Chính phủ trong nhiều năm qua đã tích cực nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành NH từ 15% lên 20% rồi 30%, nhưng dường như vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu của các bên.

Đặc biệt, nếu như trước đây cổ đông chiến lược của các NH thường đến từ các tập đoàn đa quốc gia Âu Mỹ, thì trong 5 năm trở lại đây, các nhà đầu tư khu vực Đông Á đang rót vốn mạnh mẽ vào thị trường M&A của Việt Nam. Đáng lưu ý là nhóm nhà đầu tư này luôn muốn tham gia ra quyết định trong chiến lược kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần đầu tư tài chính, do đó việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu đủ cao luôn là yêu cầu quan trọng.

Cũng từng có những đề xuất nới room ngoại của các NH trong nước từ mức 30% hiện nay lên 49%, tạo điều kiện để huy động vốn ngoại, nhưng khả năng này vẫn khó xảy ra trong ngắn hạn, nếu có cũng chỉ mang tính chất thí điểm. Vì vậy, trong thời gian phải chờ đợi những quy định được kỳ vọng điều chỉnh, các NH buộc phải có những giải pháp riêng, theo đó chủ động khóa room ngoại ở mức thấp, dành phần còn lại để giữ lợi thế đàm phán chào bán cho những đối tác chiến lược nước ngoài.

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), trong vòng 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU mua đến 49% cổ phần của hai NH TMCP Việt Nam, ngoại trừ 4 NH TMCP có sở hữu nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank. Theo giới phân tích, VIB, VPBank, Techcombank, ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo hiệp định này.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành tài chính - ngân hàng ngày càng gay gắt, đặc biệt là áp lực từ các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang dần xâm lấn một số mảng dịch vụ truyền thống của các nhà băng, trong khi chính các NH cũng đứng trước thách thức phải tự đổi mới cách kinh doanh, khả năng quản trị rủi ro cũng như luôn đòi hỏi phải nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng các quy định an toàn theo chuẩn quốc tế, rõ ràng việc gọi thêm vốn ngoại và hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế luôn là lựa chọn cần thiết.

Nếu như trước đây cổ đông chiến lược của các NH thường đến từ các tập đoàn đa quốc gia Âu Mỹ, thì trong 5 năm trở lại đây các nhà đầu tư khu vực Đông Á đang tích cực rót vốn vào thị trường M&A của Việt Nam. Đáng lưu ý là nhóm nhà đầu tư này luôn muốn tham gia ra quyết định trong chiến lược kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần đầu tư tài chính, do đó việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu đủ cao luôn là yêu cầu quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngân hàng và room ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO