Kiềm chế lãi suất cho vay: Một thách thức trong năm 2023

Anh Khoa| 13/01/2023 03:00

Không thể phủ nhận xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Vì sao yêu cầu giảm lãi suất cho vay?

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng (NH) năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm qua lãi suất được điều hành và điều chỉnh hợp lý; các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, DN được kịp thời ban hành và triển khai khẩn trương. Việt Nam đến cuối tháng 9/2022 mới bắt đầu nâng lãi suất điều hành thêm 1% và có lần nâng thứ hai chỉ một tháng sau đó, thêm 1% nữa.

Cũng tại hội nghị này, cùng với chính sách tỷ giá, tiền tệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu NHNN phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay. Có thể thấy định hướng giảm lãi suất cho vay luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của NHNN trong suốt những năm qua, khi đây là một trong những chất xúc tác quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Với dự báo nền kinh tế năm 2023 sẽ đối mặt thêm nhiều khó khăn, thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng. Dù GDP 2022 của Việt Nam công bố mới đây cho thấy ước tăng 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, nhưng xu hướng cho thấy hoạt động của nền kinh tế đã có dấu hiệu chậm lại trong những tháng cuối năm vừa qua. Cụ thể, nếu như GDP quý I chỉ tăng 5,05%, quý II tăng 7,83%; quý III tăng đến 13,71% thì tốc độ tăng quý IV chỉ còn 5,92%.  

Không thể phủ nhận xu hướng lãi suất tăng vọt gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN. Sau các đợt đua tăng lãi suất tiết kiệm diễn ra từ cuối quý III đầu quý IV, kéo theo lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, với lãi suất khách hàng cá nhân vay trung dài hạn lên đến 15-16%/năm, DN vay ngắn hạn 11-12%/năm. 

Kiềm chế lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Kiềm chế lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Liệu có khả thi?

Báo cáo mới nhất của NHNN cho biết, trong năm 2022, bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế đã đạt được, các chỉ tiêu liên quan lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đã được kiểm soát ổn định. Trong đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, đồng Việt Nam mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động thấp hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới, thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc các NH đua nhau tăng mạnh lãi suất những tháng cuối năm đã khiến  người dân có tâm lý dịch chuyển từ NH này sang NH khác để hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn. Việc này đã khiến các NH khó cân đối được dòng tiền, gây khó khăn cho kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng huy động vốn vẫn không thể theo kịp tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 21/12/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99%, thấp hơn mức tăng 7,73% của cùng thời điểm năm 2021 và thấp hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%). Đáng chú ý, số liệu mới nhất của NHNN cũng cho biết tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 đã đạt 14,5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm 2018-2022.

Dù biết rằng mục tiêu giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng để đạt được không phải là điều dễ dàng, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Với mức tăng trưởng tín dụng này, hệ thống NH đã bơm ròng ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng thông qua kênh tín dụng năm vừa qua. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng và đã vượt qua số dư tiền gửi trong hệ thống NH. Đây là một trong những yếu tố khiến việc giảm lãi suất huy động lẫn cho vay sẽ gặp rất nhiều thách thức trong năm 2023.

Không chỉ tác động tiêu cực lên mặt bằng lãi suất, căng thẳng thanh khoản của hệ thống NH cũng sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại. Theo VNDirect, tính đến cuối quý III/2022, các NH đã ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số NH đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Áp lực lạm phát cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại và lãi suất cũng khó giảm thêm. Năm 2023, lạm phát được dự báo vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự tăng giá dịch vụ y tế, vận tải công cộng. Hiện hầu hết dự báo cũng tin rằng lãi suất năm 2023 sẽ tiếp tục theo xu thế đi lên.

Dù biết rằng mục tiêu giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng để đạt được không phải là điều dễ dàng, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng với mặt bằng lãi suất đang ở mức cao, tương đương giai đoạn 2011-2012 và tăng trưởng kinh tế trong năm tới dự báo gặp nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các chính sách kiềm chế lãi suất. Ngày 22/12/2022, bà Nguyễn Thị Hồng đã ký văn bản liên quan đến tín dụng và lãi suất. Theo đó, NHNN sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiềm chế lãi suất cho vay: Một thách thức trong năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO