Chính sách được chờ đợi
Ngày 5/12/2022, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Động thái này được xem là hiện thực hóa chỉ đạo gần đây nhất của Thủ tướng khi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu, là NHNN và các TCTD tiến hành rà soát, phân loại doanh nghiệp (DN), TCTD để thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Việc nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng đã được dự báo gần đây. Trong khi đó, với diễn biến tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt, đặc biệt tiền đồng đang tăng giá trở lại, cũng như áp lực lạm phát không còn quá lớn như giai đoạn trước, đã tạo điều kiện cho NHNN nới thêm room tín dụng mà không gây áp lực lớn lên tỷ giá hay lạm phát. NHNN cũng cho rằng, thanh khoản của hệ thống TCTD đã được cải thiện.
Giới phân tích tài chính nhận định, việc NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 15,5-16% so với cuối năm 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng tháng 12 khoảng 400.000 tỷ đồng và cả năm 2022 hơn 1,67 triệu tỷ đồng. Theo đó, dư nợ tín dụng toàn hệ thống cuối năm nay nếu hoàn thành mục tiêu đề ra có thể nằm ở mức hơn 12,1 triệu tỷ đồng.
Sau nhiều cân nhắc, NHNN đã nới room tín dụng |
Tháo gỡ vốn
Có thể nói, chưa bao giờ việc nới room tín dụng lại được chú ý nhiều đến như vậy trong những năm qua. Ngoài việc nhiều ngân hàng đã sớm sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm, các kênh tiếp cận vốn khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế, đã khiến không ít DN rơi vào tình trạng tắc nghẽn vốn, đứt gãy dòng tiền trong những tháng gần đây.
Chính vì vậy, việc NHNN nới room tín dụng được kỳ vọng không chỉ góp phần tạo điều kiện cho các nhà băng tăng cường cung ứng vốn ra nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm và chuẩn bị nguyên vật liệu cho giai đoạn sắp tới, từ đó giúp kinh tế tăng tốc trong thời gian còn lại của năm và tạo đà cho đầu năm sau.
Trong bối cảnh chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công vẫn chậm chạp, việc tăng cường chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng cũng là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Số liệu cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng qua chỉ ước đạt 445.900 tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm.
Một điểm tích cực là song song với chính sách nới room tín dụng, một số ngân hàng mới đây bất ngờ giảm lãi suất cho vay, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động bình quân đã liên tục gia tăng gần đây. Dù động thái này của các nhà băng có lẽ là nhằm để được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, nhưng cũng là một giải pháp hỗ trợ đáng kể đối với DN vốn đang gặp rất nhiều khó khăn và đối mặt với sức ép lãi vay gia tăng.
Dù vậy, trong bối cảnh huy động vốn chịu nhiều áp lực khi càng về cuối năm, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp thêm, các ngân hàng tất yếu sẽ phải tìm cách thu hút tiền gửi, nên không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có những tác động lên mặt bằng lãi suất huy động vốn trong giai đoạn tới, nhất là khi số dư nợ tín dụng trong hệ thống đã cao hơn so với số dư tiền gửi khách hàng trong những tháng gần đây.
Được biết, đây cũng là đợt nới room tín dụng lần thứ ba trong vòng ba tháng qua. Trước đó, vào tháng 9, NHNN đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng. Tiếp đó, vào đầu tháng 10, các ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022, do đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.