Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá lên 5%

T.H.G.| 18/10/2022 00:06

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tăng biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/10.

Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá lên 5%

Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát leo thang ở nhiều quốc gia… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Để ứng phó với diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, ngày 17/10, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD được điều chỉnh từ +/-3% lên +/-5%.

Động thái này của NHNN được các chuyên gia đánh giá cao. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc NHNN tăng biên độ tỷ giá giúp giảm chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ. Các ngân hàng thương mại có thể mua và bán USD với giá có lợi. Ngoài ra, quyết định này cũng góp phần hạn chế hoạt động đầu cơ USD và hành vi mua bán USD từ ngân hàng rồi đưa vào chợ đen để giao dịch.

Sau khi NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.586 đồng/USD, sáng 17/10, nhiều ngân hàng niêm yết giá USD bán ra ở mức 24.500 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá bán USD vượt 24.500 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng 7%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định này của NHNN sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu. Cụ thể, khi giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá đồng loạt tăng, DN nhập khẩu sẽ chịu tác động kép, khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng.

Với DN xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, tỷ giá tăng cũng tác động không nhỏ. Bởi lẽ, phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể so với số tiền DN phải bỏ ra để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Ngoài ra, lạm phát tăng nhanh khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đơn hàng xuất khẩu ngày càng ít, các quốc gia nhập khẩu liên tục “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh.

Đối với các DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các DN vay nợ nước ngoài.

Tuy vậy, ông Thịnh nhấn mạnh rằng, một thời gian sau khi điều chỉnh, các biến động của tỷ giá cũng sẽ dần hạ nhiệt. Như vậy, về bản chất doanh nghiệp sẽ có môi trường kinh doanh ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khi Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá lên 5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO