Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2022 rất khả quan khi tổng kim ngạch cả nước đạt xấp xỉ 500 tỷ USD và mức tăng trưởng hai con số ở cả hai chiều xuất - nhập khẩu: xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 13,6%.
Yếu tố thuận lợi lớn nhất giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được thành tích đó là việc nước ta đã sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý IV/2021, trong đó các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó là những thuận lợi đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn. Ví dụ như nhóm hàng nông - thủy sản, rau, quả cũng đã tận dụng tốt được các lợi ích từ các FTA.
Đáng chú ý, cùng thời điểm này năm trước cả nước đang nhập siêu 3,52 tỷ USD nhưng tại thời điểm hiện nay đã đạt mức xuất siêu gần 4 tỷ USD. Đây cũng là dấu hiệu rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có tác động, ảnh hưởng khá rõ của việc suy thoái cũng như lạm phát tại một số thị trường lớn có thể gây ra biến động về tỷ giá, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn. Trong bối cảnh như vậy thì việc đạt được mức xuất siêu 4 tỷ USD trong 8 tháng là một yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.
Tuy nhiên, kết quả này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà những thách thức, rủi ro vẫn còn và có thể tác động đến thị trường. Đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và việc suy thoái của một số thị trường cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và tác động đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này.
Tại thời điểm này thì mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành dệt may khá tốt. Dệt may cũng là ngành đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế, với tình trạng có thể suy thoái và lạm phát ở một số thị trường thì dệt may và tiêu dùng nói chung là nhóm hàng mà có thể thuộc diện thắt chặt chi tiêu cũng như giảm bớt nhu cầu.
Hiện nay, đây chính là thách thức lớn đối với ngành dệt may nói riêng và với nhiều ngành khác nữa. Ví dụ như ngành da giày, túi xách, đồ gỗ… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác, như vấn đề về thị trường, dịch bệnh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường, dễ tác động bất ngờ, gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn này, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang rất tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung trong các ngành hàng. Ví dụ, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc; mở cửa thị trường; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, vừa qua, đã có hai sản phẩm là sầu riêng và chanh leo đã được Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch. Các mặt hàng khác như gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu… cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Về các mặt hàng công nghiệp thì những tác động của thị trường, của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí logistics… trong thời gian vừa qua cũng những điều mà các doanh nghiệp lo lắng. Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống các cơ quan thương vụ vào cuộc tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Một mặt là khôi phục và kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, thông qua các chương trình tham dự hội chợ, các đoàn giao thương… Mặt khác tích cực tìm kiếm thêm các đối tác, các bạn hàng mới để giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt các FTA đã ký kết.