Ẩn số xu hướng lãi suất

Anh Khoa| 27/11/2021 03:00

Từ đầu tháng 11 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ, tương ứng với một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra, đưa đến kỳ vọng lãi suất có thể giảm thêm trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, xu hướng lãi suất có thể là một ẩn số trong giai đoạn tới.

Ẩn số xu hướng lãi suất

Mua ngoại tệ, bơm tiền đồng

Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ thời gian gần đây có sự cải thiện, cùng với việc tỷ giá ổn định, NHNN đã nối lại chính sách mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trong những tuần gần đây. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu tháng 10/2021 tăng mạnh, lên mức hơn 28,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 25,9 tỷ USD, giúp nền kinh tế đạt thặng dư thương mại hàng hóa 2,85 tỷ USD. Theo đó, từ tình trạng nhập siêu triền miên trong 9 tháng đầu năm đã chuyển sang xuất siêu 160 triệu USD cho giai đoạn 10 tháng.

Đầu tư cũng tăng trưởng trở lại trong tháng 10 sau khi suy yếu vào những tháng trước đó vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Việc NHNN mới đây lần thứ ba trong năm nay giảm mạnh giá mua USD càng cho thấy nguồn cung ngoại tệ đang khá vượt trội so với cầu. Ngày 5/11/2021, NHNN đã giảm giá mua vào Mỹ kim 100 đồng, xuống còn 22.650 đồng/USD, theo đó so với đầu năm đã giảm 475 đồng, tương ứng giảm hơn 2%.

Trong tuần đầu tháng 11, NHNN đã mua vào khoảng gần 1,3 tỷ USD với mức giá 22.750 đồng/USD, trước khi giảm giá mua xuống 22.650 đồng/USD. Ngày 10/11/2021, Kho bạc Nhà nước đã chào mua ngoại tệ từ NHTM với 250 triệu USD, tương đương gần 5.700 tỷ đồng, theo phương thức giao ngay. Như vậy, tính sơ bộ cho thấy đã có hơn 35.000 tỷ đồng được bơm ra và khả năng con số này sẽ chưa dừng lại.

Hỗ trợ ổn định lãi suất

Với lượng tiền lớn được bơm ra, càng giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) thêm dồi dào, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức thấp và có thể giảm thêm trong thời gian còn lại của năm nay. Số liệu của NHNN cho thấy, lãi suất vay mượn giữa các NH trên thị trường 2 ở các kỳ hạn ngắn vẫn đang ở mức thấp dưới 1%, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đi xuống trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

20211120-bai-mua-ngoai-te-NHNN-5493-5985

Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm thêm lãi suất cho vay. Rõ ràng nếu cộng lãi suất đầu vào tiếp tục giữ ổn định hoặc giảm thêm, chi phí vốn sẽ đi xuống giúp các NH có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.

NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới và sớm nới hạn mức tín dụng đối với các NH có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại.

Dù vậy, cũng cần lưu ý giai đoạn cuối năm nhu cầu vay vốn thường tăng cao. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu tín dụng có thể còn bật mạnh hơn so với những năm trước. Với khoảng 77.700 tỷ đồng tín dụng mới được bổ sung cho nền kinh tế trong tháng 10, gần gấp đôi so với tháng 9, nền kinh tế sau giãn cách đã cho thấy sự hồi phục đáng kể.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/10/2021 đạt 8,72%, dù cao hơn so với mức tăng 6,5% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu 12-13% cho năm nay, vì vậy các NH có thêm động lực để tăng tốc cho vay vào dịp cuối năm.

Mới đây, một số NH đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2021, như TPBank được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lên đến 17,4%. Tiếp theo sau là Techcombank (17,1%), MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), LPB (13,1%). Các NH còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5%, gồm VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng ngày càng gia tăng, khiến các NH khó có thể lựa chọn giảm thêm lãi suất tiền gửi, nếu không muốn dòng vốn tiếp tục dịch chuyển khỏi NH, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán đang tăng mạnh, bất động sản hay vàng đang có dấu hiệu "tạo sóng" trở lại.

Với việc tăng trưởng tiền gửi luôn ở mức thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng suốt từ đầu năm đến nay, các NH trong giai đoạn này sẽ thận trọng hơn với chính sách huy động vốn. Do đó, dù thanh khoản của hệ thống dồi dào nhưng xu hướng lãi suất trong giai đoạn tới sẽ là một biến số khó lường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ẩn số xu hướng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO