Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/9/2023 đã quyết định nâng lãi suất chủ chốt lần thứ 10 liên tiếp lên mức cao kỷ lục trong nỗ lực nhằm chống lạm phát.
Cụ thể, ECB đã tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% - những mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
Định chế tài chính của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Dù đã 9 lần tăng lãi suất liên tiếp, lạm phát vẫn cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% ECB đặt ra và dự báo sẽ không giảm về mức này trong hai năm tới.
ECB cho rằng, lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới với mức 5,6% trong năm 2023; 3,2% trong năm 2024 trước khi hạ nhiệt xuống còn 2,1% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong 3 năm tới, trong bối cảnh các điều kiện tài chính khó khăn tác động tiêu cực đến nhu cầu và thương mại quốc tế suy giảm. Cụ thể, ECB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ ở mức 0,7% trong năm nay, 1% trong năm 2024 và 1,5% trong năm 2025.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ kiềm chế lạm phát vì có thể cản trở việc vay mượn và chi tiêu, nhưng cũng đồng thời có nguy cơ bóp nghẹt hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, chi phí vay cao hơn ở hầu hết các nơi trên thế giới và tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, với khả năng xảy ra suy thoái ở Eurozone là rất cao.
Các nhà hoạch định chính sách xem dự báo năm 2024 là rất quan trọng để xác định liệu lạm phát, hiện vẫn ở mức trên 5%, có thể quay trở lại mức mục tiêu hay có nguy cơ bị mắc kẹt ở mức cao hơn quá lâu.