Theo quyết định 71 của UBND TP.HCM, từ ngày 1/1/2011, tất cả những người hành nghề vận tải chở khách và hàng hoá bằng xe hai, ba bánh sẽ phải đăng ký đeo thẻ hành nghề. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều địa phương chưa có động thái nào từ phường, xã về việc triển khai quy định trên, trong khi người dân rất thắc mắc việc đeo thẻ sẽ có lợi gì cho mình.
Đeo thì được gì?
Đó là câu hỏi phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị nhận được từ đa số người hành nghề xe ôm, xe ba gác chở hàng khi tiếp cận họ. Theo giới xe ôm lâu năm, việc UBND thành phố ban hành quyết định thì phải thực hiện, tuy nhiên họ cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo gì từ chính quyền địa phương. Ông Đoàn Thanh Long, một người hành nghề xe ôm ở khu vực quận 1 thắc mắc: “Trước giờ vẫn chạy xe ôm giờ có đeo thẻ hay không thì cũng vẫn là chạy xe ôm, vậy đeo thẻ có đem lại quyền lợi gì cho những người làm nghề xe ôm không, có bị bắt buộc không?”
Ông Long cho rằng nếu chính quyền có những biện pháp cơ bản như thống nhất về bến bãi, giá cả đi lại hay các chính sách riêng cho những người hành nghề này giống như các loại hình vận tải hành khách khác thì hợp lý hơn. “Ví dụ như xe ôm là một trong những cách thoát kẹt xe nhanh hơn taxi hay xe buýt, vậy thành phố có chính sách gì khuyến khích xe ôm phát triển không?”, ông Long đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Trung Nguyên, hành nghề xe ôm thâm niên 20 năm tại ngã tư Trần Quốc Thảo – Ngô Thời Nhiệm cho biết, ông đã được một cảnh sát khu vực hướng dẫn về việc hành nghề, tuy nhiên vẫn có nhiều thứ chưa rõ. “Nhà nước quy định thì tôi theo nhưng nếu một người cũng đeo thẻ hành nghề mà từ nơi khác đến nơi tôi đón khách thì có bị coi là giành mối không? Nếu chở khách đi đến địa bàn của những người khác rồi chở họ về hay đón khách mới tại địa bàn đó thì tôi có bị coi là giành mối không?”
Ông Nguyễn Thành Thái, một người chạy xe ôm chưa được chỉ dẫn các quy định về việc đăng ký thẻ hành nghề như ông Nguyên, hỏi kỹ: “Hộ khẩu tôi ở quận Bình Thạnh, tôi hiện đang ở quận 12 và làm xe ôm ở quận 3 vậy thì đăng ký ở đâu mới đúng? Nếu đăng lý cả ba nơi thì quá mất thời gian và ảnh hưởng đến chén cơm gia đình trong ngày đi đăng ký ngay”. Cũng theo ông Thái, việc quản lý xe ôm là tốt vì các nhóm xe ôm có thể thông báo cho nhau lịch trình đi để tránh rủi ro, tai nạn hay bị cướp.
Ông Hoàng Thế Hải, một người chở hàng ở chợ Bà Chiểu cho biết ông chỉ chở hàng cho một mối duy nhất là chị họ vào sáng sớm và buổi tối để kiếm thêm, thời gian còn lại ông làm việc khác chứ không chở khách thì có phải làm đăng ký không và đăng ký có tốn kém gì không?
Quản lý để lắng nghe!
Hồ sơ cấp biển hiệu hoạt động – Đơn đăng ký (theo mẫu quy định), Phạt tiền từ 40.000 – 60.000 đồng Việc chế tài để thực hiện quyết định 71, các cơ quan ban ngành liên quan tại TP.HCM sẽ căn cứ vào khoản 1, điều 31 nghị định 34 của Chính phủ. Theo đó, mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 – 60.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ chở hành khách, hàng hoá không có biển hiệu hoặc trang phục theo quy định. |
Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết theo quy định, tất cả những người hành nghề vận tải khách, hàng hoá bằng xe hai, ba bánh đều phải đăng ký đeo thẻ hành nghề. Tuy nhiên, đây không phải là quy định bắt buộc một cách cứng nhắc.
Theo ông Tường, quản lý bằng việc đeo thẻ sẽ giúp thành phố đánh giá được số lượng và phương thức hoạt động của xe ôm. Hiện nay, việc quy định điểm đón, trả khách và tuyến đường hoạt động, quãng đường hoạt động của những người vận tải hàng hoá, hành khách là chưa khả thi. Từ việc đăng ký, quản lý này sẽ giúp các quận huyện kiểm soát dễ hơn về loại hình này cũng như nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ để có những quy định, chính sách phù hợp.
Hiện công tác triển khai đã được thực hiện đối với các đại diện cấp quận, huyện trong cuộc làm việc vào tuần trước. Những vị này sẽ tổng hợp báo cáo để trình UBND các quận, huyện và triển khai về các phường xã để tuyên truyền, vận động người dân. “Người hành nghề vận tải chở khách và hàng hoá chỉ cần đến UBND phường để đăng ký, còn thẻ sẽ được phát miễn phí. Chúng tôi đã triển khai rõ việc này, còn trách nhiệm bây giờ là triển khai về địa phương và báo cáo lên sở Giao thông vận tải TP.HCM để sở tổng hợp báo cáo cho UBND TP.HCM. Đơn vị nào làm không tốt sẽ do UBND TP.HCM xử lý”, ông Tường nói.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, cho đến thời điểm này thì tất cả các phường, xã tại TP.HCM mà chúng tôi tiếp cận đều chưa nhận được thông tin nào về việc triển khai quyết định 71 từ các quận huyện. Ông Thân Trọng Minh, chủ tịch UBND phường 4, quận Gò Vấp cho hay, thông tin về quyết định 71 thì phường đã biết và đang chờ chỉ đạo triển khai từ cấp quận. Tuy nhiên, đến nay thì quận vẫn chưa có ý kiến gì nên phường vẫn phải chờ.
Trước giờ trên địa bàn phường này có những đội xe ôm tự quản do chính quyền địa phương và công an quản lý hoạt động rất tốt. Cùng ý kiến với ông Minh, ông Thiều Văn Se, chủ tịch xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cho biết hiện nay chưa có người dân hành nghề xe ôm nào tới phường, hay tới công an để đăng ký làm thẻ. “Ngay khi có chỉ đạo cụ thể của quận, chúng tôi sẽ thực hiện và tạo mọi thuận lợi cho người dân được đăng ký làm thẻ đúng thời hạn”, ông Se khẳng định!