Buôn trong chợ, nợ ngoài luồng

HỒNG NGA| 29/10/2009 08:36

Từ tháng 9 đến gần cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của tiểu thương tăng mạnh. Và mặc dù các quy định cho vay của ngân hàng (NH) đã thoáng hơn, với nhiều ưu đãi hơn, nhưng không phải tiểu thương nào cũng đến được với nguồn tín dụng này, khiến họ phải tìm vay bên ngoài với nhiều rủi ro.

Buôn trong chợ, nợ ngoài luồng

Nhiều tiểu thương cần vốn để lấy hàng mới - Ảnh Thi Na

Vốn dồn cuối năm

Theo giới kinh doanh, làm ăn cả năm nhưng đây là thời điểm rất quan trọng, là khoảng thời gian “tổng lực” để tích trữ hàng hóa, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, cả dương lịch lẫn âm lịch. Đó là lý do khiến việc vay vốn ở các chợ trở nên sôi động. Thống kê của Ban quản lý (BQL) chợ Hòa Bình cho thấy, hiện đã có gần 200 hồ sơ xin vay vốn NH trong đợt này. Trong đó có rất nhiều hộ sở hữu 2 - 3 sạp liền nhau, vay tiền với số lượng lớn, mỗi hồ sơ lên đến cả trăm triệu đồng. Tại chợ An Đông, số hộ vay vốn vào thời điểm này cũng lên đến vài trăm. Còn ở chợ Bến Thành, số hộ đăng ký vay vốn chiếm gần phân nửa tổng số hộ kinh doanh, số tiền vay từ 5 đến 90 triệu đồng, đa số vay ở mức 40 - 50 triệu đồng. Theo ông Phạm Văn Tân - Phó BQL chợ Bến Thành, cũng như những năm trước, số lượng người vay sẽ còn tiếp tục tăng vào hai tháng kế tiếp.

Trong khi tiểu thương các chợ lớn, chợ không nằm trong diện quy hoạch giải tỏa đang làm hồ sơ vay vốn NH, thì tiểu thương các chợ bị chuyển đổi công năng dù đang rất khát vốn, nhưng lại không được các NH “chào đón”. Theo thống kê sơ bộ của BQL các chợ Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi và Tân Bình, số hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn đã lên tới hàng trăm, nhưng do chợ đang trong giai đoạn chờ chuyển đổi nên tiểu thương không thể tiếp cận NH. Bà Phạm Thị Mận, chủ hai sạp quần áo may sẵn ở chợ Tân Bình cho biết, để chuẩn bị hàng Tết, bà phải đặt hàng nhiều nơi, lấy mẫu trong nước và cả từ Thái Lan, Trung Quốc, nhưng không vay tiền NH được vì chợ đang trong thời gian chờ chuyển đổi, xây mới.

Sống chung với "vay nóng"?

Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn NH cũng là lý do khiến “tín dụng ngoài luồng” có đất phát triển. Bà Trần Thị Nguyệt, một tiểu thương ở chợ An Đông cho biết, kinh doanh ở chợ nguồn vốn xoay chuyển rất nhanh, phải biết chớp thời cơ, đón đầu những lô hàng mình cần. “Không phải chúng tôi thiếu tiền, nhưng có những lúc cần có tiền ngay để thanh toán cho bạn hàng, hay lấy những lô hàng mới. Trong kinh doanh phải biết nắm lấy cơ hội, không nhanh tay thì cơ hội sẽ thuộc về người khác”, bà Nguyệt lý giải. Chính vì vậy mà nhiều năm nay, bà Nguyệt vẫn “đồng hành” cùng “tín dụng ngoài luồng” dù lãi suất khá cao, rủi ro cũng lớn.

Theo một số tiểu thương, việc NH cho nhân viên đến thu tiền góp tận sạp một mặt giúp tiểu thương giảm thiểu thời gian đi lại, thuận tiện cho việc kinh doanh, nhưng mặt khác cũng khiến họ khó xử. Một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm ở chợ Bến Thành cho biết, điều tối kỵ đối với những người buôn bán ở chợ là khi bạn hàng xung quanh biết mình phải vay vốn NH làm ăn.

Do vậy, nhiều tiểu thương rất ngại tiếp xúc trực tiếp với nhân viên NH ngay tại chợ. Do đó, để “an toàn”, họ lại tìm đến “tín dụng đen”, dù lãi suất cao, 10 -25%/tháng, nhưng không ai biết mình vay vốn để kinh doanh. “Trước kia tôi cũng từng đến NH để vay vốn nhưng không vay được. Lúc thì không đủ tài sản thế chấp, lúc thì thiếu giấy tờ và khi nhận được tiền thì lô hàng đã thuộc về người khác. Rút kinh nghiệm từ những lần đó, mỗi khi cần vốn tôi tìm cách vay nóng cho xong”, một tiểu thương kinh doanh vải tại chợ An Đông cho biết.

Nói về “tín dụng đen”, nhiều người làm công tác quản lý ở các chợ trên địa bàn TP.HCM cũng công nhận, không phải tiểu thương không biết “mặt trái” của kênh tín dụng này, nhưng họ vẫn không thiết tha với việc vay vốn ở NH vì thủ tục vay vốn “tín dụng đen” nhanh chóng và thuận lợi hơn. Hơn nữa, muốn vay vốn NH, tiểu thương phải có tài sản thế chấp tương đương với số vốn vay. Và họ là những người bận rộn buôn bán suốt ngày, nên không có thời gian để chờ đợi NH hoàn tất thủ tục. Bên cạnh đó, quy mô kinh doanh nhỏ nên tài sản chính của tiểu thương chỉ là những sạp hàng, khi đem thế chấp cho NH, nguồn vốn vay được cũng không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu đang cần.

Ăn theo kênh tín dụng đen, dịch vụ “cò” cho vay cũng phát triển mạnh. “Cò” làm môi giới giữa người cần vốn và chủ cho vay. Qua “cò”, các thủ tục vay như giấy tờ, thẩm định tài sản thế chấp... được tiến hành nhanh, gọn, tiện lợi nên tiểu thương và chủ cho vay đều thích. Cả người vay và chủ cho vay không cần gặp mặt nhau mà vẫn xúc tiến được những “thương vụ” cả tỷ đồng. Và dĩ nhiên là những bạn hàng xung quanh khó có thể biết được “hàng xóm” của mình đang vay nóng vì thiếu vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Buôn trong chợ, nợ ngoài luồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO