Đối với doanh nghiệp lớn đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể gia tăng quyền sở hữu và quyết định quản trị thông qua vịệc thâu tóm cổ phiếu. Đối với các doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động hoặc tạm thời ngưng hoạt động vì một lý do nào đó, doanh nhân có thể bỏ tiền ra mua hẵn. Dạng thức đơn giản nhất thường gặp là việc "sang lại" một quầy hàng, một quán cà phê hay một quán ăn.
Những lợi thế và bất lợi
Có nhiều lợi thế để mua lại một doanh nghiệp quy mô nhỏ. Hầu hết những lợi thế này liên quan đến việc giảm thời gian, rủi ro và chi phí. Một doanh nghiệp đang hoạt động, nhà xưởng và trang thiết bị đã có sẵn, sản phẩm hoặc dịch vụ đã được sản xuất hay phân phối, các mối quan hệ thị trường và tài chính đã được thiết lập. Việc mua lại những doanh nghiệp này có thể làm giảm tối đa những vấn đề nảy sinh trong quá trình lên kế hoạch và triển khai sản xuất, kinh doanh, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn cả chi phí. Thông tin và báo cáo tài chính trước đây của doanh nghiệp được bán cũng là cơ sở tốt cho việc hoạch định thị trường và tài chính trong tương lai.
Mua một doanh nghiệp đang hoạt động cũng có thể làm giảm một đối thủ cạnh tranh tiềm năng, nhất là lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó trùng hoặc gần với doanh nghiệp của người mua. Điều này đặc biệt quan trọng đối với doanh nhân muốn tận dụng lợi thế mặt bằng hoặc cự ly kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hay dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số bất lợi tiềm ẩn, thường bao gồm những vấn đề liên quan đến một doanh nghiệp đang hoạt động kém, thị trường bị thu hẹp, tình hình tài chính không tốt, hàng tồn kho nhiều... Đó là chưa kể cơ sở vật chất hư hỏng, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, hay nguồn nhân lực thiếu động lực và năng lực.
Nguồn thông tin cần xác định
Có khá nhiều nguồn thông tin để xác định giá trị thị trường và tiềm năng sinh lợi của một doanh nghiệp, từ đó dẫn đến quyết định mua lại doanh nghiệp đó hay không. Các nguồn phổ biến để tham khảo bao gồm quảng cáo, tư vấn của cơ quan chính phủ, môi giới bất động sản, thông tin truyền miệng và từ các chuyên gia như luật sư, kế toán và ngân hàng.
Để xác định khả năng tài chính của bất kỳ doanh nghiệp nào, cần phân tích tính hợp lệ của báo cáo tài chính, đánh giá các báo cáo này và xem xét tình trạng hiện tại của tài sản, nhân sự, mối quan hệ bên ngoài của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số tình huống, trong đó mua lại một doanh nghiệp có thể vẫn tốt ngay cả khi nó không có lợi điểm tại thời điểm đánh giá. Đó là trường hợp chủ sở hữu hiện tại không đủ năng lực, không có kiến thức hoặc thiếu vốn phát triển, trong khi lĩnh vực hoạt động đang hoặc sẽ sớm tăng trưởng. Nếu chủ sở hữu mới có thể sửa chữa hoặc cải thiện các cản ngại này, việc mua lại doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể là một quyết định khôn ngoan.
Một số khía cạnh phi tài chính cũng cần được đánh giá khi tìm mua một doanh nghiệp. Người mua nên phân tích ngành, đánh giá chủ sở hữu, kiểm tra chất lượng nhân sự, nghiên cứu tình trạng các mối quan hệ bên ngoài của doanh nghiệp và kiểm tra tình trạng hồ sơ của công ty.
Phân tích ngành bao gồm việc nghiên cứu xu hướng bán hàng và lợi nhuận, xem xét mức độ cạnh tranh, tình trạng của nền kinh tế trong khu vực, xem xét những hạn chế pháp lý và đánh giá bất kỳ mối quan tâm xã hội nào có thể ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực hoạt động trong tương lai. Đánh giá chủ sở hữu trước bao gồm tìm hiểu ảnh hưởng và danh tiếng đối với sự thành công của doanh nghiệp trước đó và xác định lý do tại sao chủ sở hữu bán doanh nghiệp. Nếu nền tảng của chủ sở hữu và một số vấn đề chuyên môn được biết đến, tính khả thi sau này của doanh nghiệp có thể được xác định.
Nhìn chung, có hai cách tiếp cận để định giá một doanh nghiệp. Phương pháp đầu tiên là sử dụng giá trị tài sản để xác định, bao gồm giá trị trên sổ sách và giá trị thay thế về đất đai, vị trí, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên vật liệu, sản phẩm tồn kho... Phương pháp thứ hai là sử dụng thu nhập của doanh nghiệp, đặc biệt là thu nhập tiềm năng làm căn cứ định giá. Trong thực tế, người ta thường phối hợp hai phương pháp trên để bảo đảm định giá chính xác và phù hợp.
Cuối cùng, khi quyết định mua và thỏa thuận mua bán doanh nghiệp, hãy chắc chắn rằng nội dung chi tiết về điều kiện mua, giá mua, ngày thanh toán, cách thức thanh toán và quy định về việc không tuân thủ bất kỳ điều kiện nào nêu trên đều đã được thể hiện trong hợp đồng.