Một thoáng nhìn về nền nghệ thuật Việt Nam

PHAN CẨM THƯỢNG| 14/01/2008 05:31

Người ta có cảm giác rằng nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam rất non trẻ, khi điểm khởi đầu của nó mới chỉ là năm 1925, năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời.

Một thoáng nhìn về nền nghệ thuật Việt Nam

Người ta có cảm giác rằng nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam rất non trẻ, khi điểm khởi đầu của nó mới chỉ là năm 1925, năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Và có cảm giác rằng các nghệ sĩ đã đứt đoạn với truyền thống khi học tập hoàn toàn theo nghệ thuật phương Tây.

Một mảng trang trí trên rường cánh đình Phù Lão (Cao Thượng, Bắc Giang), chạm khắc gỗ mộc, nghệ thuật kiến trúc đình làng thế kỷ XVII.

Nếu xem những cuốn sách lịch sử nghệ thuật, gần như không có trang nào dành cho Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản, đều từng là những quốc gia phong kiến chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong khi đồ gốm, tranh cổ, tượng Phật vẫn kìn kìn bị buôn bán bất hợp pháp ra nước ngoài.

Một nghìn năm Bắc thuộc (thế kỷ I trước CN - thế kỷ IX sau CN), trên mặt đất dường như không còn gì, ngoài ít đồ gốm trong các mộ Hán. Một nghìn năm sau, các triều đại phong kiến Việt Nam đã để lại một di sản văn hóa đậm đặc, còn lại nhiều di tích đình, đền, chùa, lăng mộ và tượng Phật trong các làng xã, và cuối cùng là kinh thành Huế của vương triều Nguyễn (thế kỷ XIX).

Nguyễn Gia Trí, Trong vườn, bình phong sơn mài, 1939, 160 x 400 cm, Hội họa Việt Nam hiện đại. Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ hàng đầu của Việt Nam phát triển nghệ thuật sơn mài với bút pháp phương Đông. Tranh của ông lộng lẫy, đầy chất hoa lá và vàng son, một cảm thức thẩm mỹ mà người phương Đông rất ưa chuộng.

Ở Trung Nam bộ, vương quốc Champa phát triển một nền nghệ thuật Ấn Độ giáo đặc sắc. Vương quốc này dần sáp nhập vào Đại Việt, ít nhất từ thế kỷ thứ XV - XVIII, để lại những đền tháp kỳ vỹ và một nền điêu khắc đá hùng hậu.

Người ta vẫn thường tự hỏi, nếu không có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thì không biết nghệ thuật Việt Nam sẽ như thế nào. Đương nhiên nghệ thuật hiện đại vẫn hình thành, theo nhịp của xã hội, nhưng chưa chắc truyền thống đã bị đứt đoạn, và dường như gần 100 năm qua, nghệ thuật Việt Nam luôn tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại (Modern Art) và hậu hiện đại (Post Modern Art), chưa chắc đã là một hướng đi hay.

Cửa Hiển Nhơn (kinh thành Huế), nghệ thuật kiến trúc kinh thành Huế thế kỷ XVIII.Kinh thành Huế có ba lớp, lớp thứ hai gọi là Đại Nội, có bốn cửa. Cửa Hiển Nhơn là nơi dành cho các quan lại vào thiết triều và hội họp với vua. Trên cổng này có trang trí bằng họa tiết ghép từ mảnh gốm.

Chỉ trong khoảng 20 năm (1925-1945), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo 153 nghệ sĩ, trong đó có đến 1/3 thành danh và là những người thầy đầu tiên cho thế hệ nghệ sĩ tiếp theo. Những người Pháp tinh tường đã biết kích thích các nghệ sĩ Việt Nam tìm lại các giá trị phương Đông và hướng nghệ thuật về cái đẹp thuần túy.

Hai cuộc chiến tranh trong 30 năm (1945-1975) đã làm cho nghệ thuật Việt Nam có hướng đi đặc biệt, lấy bút pháp hiện thực là chính, lấy mục tiêu phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước làm chức năng nghệ thuật và phản ứng mạnh mẽ với mọi trường phái nghệ thuật phương Tây.

Trước năm 1988, mọi cuộc triển lãm đều do Hội Mỹ thuật và Vụ Mỹ thuật xét duyệt. ở Hà Nội chỉ có lác đác vài gallery. Kinh doanh nghệ thuật hầu như không có. Năm 1980, những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại từ dã thú đến trừu tượng được các họa sĩ Việt Nam đưa vào các tranh hiện thực.

Nguyễn Tư Nghiêm, Dê, 1967, bột màu trên giấy, Hội họa Việt Nam hiện đại. Ông thường khai thác bút pháp nghệ thuật từ các chạm khắc cổ, mang tính lập thể. Nguyễn Tư Nghiêm được coi là người đi từ truyền thống mà sớm có tính chất hiện đại. Bức tranh nằm trong bộ tranh vẽ 12 con giáp tượng trưng cho 12 năm theo lịch pháp phương Đông.

Năm 1988, có triển lãm 16 người đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoàn toàn tự bỏ tiền, tự tổ chức. Sau thời điểm đổi mới, nhiều triển lãm nhóm và cá nhân được đưa ra nước ngoài như là nhịp cầu văn hóa đầu tiên, nối Việt Nam với các nước không trong khối xã hội chủ nghĩa, và năm 1993 có triển lãm hội họa trừu tượng đầu tiên ở Việt Nam.

Từ vài gallery, đến nay trong nước có khoảng 200 gallery, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở thời điểm 1990-1995 có chừng 200 triển lãm trong một năm. Thập kỷ 1990-2000 là giai đoạn tưng bừng nhất của nghệ thuật Việt Nam đương đại, được thế giới biết đến.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, nghệ thuật phong kiến phát triển và thay đổi tùy theo từng vương triều. Giai đoạn đầu với hai triều đại Lý (1801-1225) và Trần (1226-1400) hoàn toàn là nghệ thuật Phật giáo. Sau đó nhà Lê sơ (1427-1527) xây dựng một thứ nghệ thuật Nho giáo rất sơ khai, còn để lại nhiều lăng mộ ở Lam Kinh (Thanh Hóa).

Cốc men ngà, thế kỷ XI-XII, nghệ thuật gốm thời Lý (1010-1224). Đồ gốm thời Lý nổi tiếng với các loại men ngọc và hoa nâu. Chiếc cốc này được tạo dáng như một bông sen, dùng vào việc thờ cúng, hoặc để phấn hoa cho phụ nữ trang điểm.

Từ thế kỷ XVI - XVIII, Việt Nam có nội chiến liên miên, các thế lực phong kiến mải đánh nhau, mặc kệ cho các làng xã tự trị. Đây là thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật dân gian. Vương triều Nguyễn dời đô vào Huế, xây dựng ở đây một thành quách lộng lẫy như một Bắc Kinh thu nhỏ và nhiều lăng mộ cho các vua chúa.

Giai đoạn giao thời cuối thế kỷ XIX đầu XX, văn minh phương Tây và phương Đông giao hòa, tạo ra những sắc thái văn hóa lai căng và dần được người Việt chấp nhận. Toàn bộ giai đoạn phong kiến không có công trình kiến trúc nào kỳ vĩ, do nền kinh tế quá thấp và phân tán, nhưng một nền điêu khắc đậm đặc tinh thần Phật giáo, một nền thủ công mỹ nghệ tài khéo và những dòng tranh khắc đáng kể, không thua kém gì nghệ thuật Nhật Bản và Triều Tiên.

Khi Việt Nam mở cửa, những năm 1990, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài vào Việt Nam, và họ luôn hỏi đâu là con đường chính của nghệ thuật, khi họ thấy nghệ thuật Việt Nam phát triển rất đa phương trong sự ảnh hưởng đa phương chủ nghĩa hiện đại (Modern Art).

Thực ra nghệ sĩ Việt Nam rất ít người có tư tưởng triết học và cũng không muốn nhất nhất theo một trường phái nghệ thuật nào. Lúc đó hầu hết chưa được ra nước ngoài. Việc ảnh hưởng nghệ thuật hiện đại (Modern Art) hoàn toàn qua sách báo ít ỏi và không hệ thống.

Nghệ thuật ấn tượng, lập thể, biểu hiện và trừu tượng là những trường phái hấp dẫn các nghệ sĩ Việt Nam, cộng với sự tìm tòi về quá khứ thuần khiết trong nghệ thuật các làng xã. Vươn đến hai đầu quá khứ và hiện đại là mong muốn của các nghệ sĩ bấy giờ cũng như bây giờ.

Những cơn sốt về thị trường đã làm nghệ thuật thập kỷ 1990 phát triển mạnh mẽ. Tranh triển lãm ở nước ngoài bằng sự giúp đỡ của các gallery và các tổ chức văn hóa nước sở tại. Tranh bán được, các họa sĩ được tận mắt nhìn thấy sáng tác của các bậc thầy thế giới mà họ hằng hâm mộ, có tiền mua chất liệu, xây nhà mới, xưởng vẽ và vài người giàu lên nhanh chóng.

Nguyễn Phan Chánh, Em bé cho chim ăn, 1931, lụa, 85 x 62 cm, Hội họa Việt Nam hiện đại. Ông là người mở đường cho nghệ thuật vẽ thuốc nước trên lụa. Đề tài của ông lấy từ đời sống nông dân Việt Nam, bình dị, hiền lành. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh luôn có màu đạm bạc.

Tuy nhiên nghệ thuật cũng dần thương mại hóa, trong khi người Việt vẫn chưa biết gì về luật bản quyền và kinh doanh nghệ thuật. Đây là nguyên nhân làm giảm sút nền hội họa trẻ thời đổi mới (thập kỷ 1990-2000), đáng lẽ phải phát triển rất tốt lại nhanh chóng đi vào ngõ cụt của sự lập lại chính mình.

Những gallerry chạy theo kinh doanh trong các nghệ sĩ thời thượng lâm vào khó khăn, buộc phải thay đổi và tìm đến những người chuyên nghiệp hơn, lấy nghệ thuật làm mục đích sống. Những biến động này về căn bản không làm ảnh hưởng đến tài năng ngày càng nở rộ trong các nghệ sĩ trẻ ngày càng đa dạng trong bút pháp sáng tác.

Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và video art, những thứ không thể thương mại hóa và đang bị phản đối kịch liệt bỗng trở nên phát triển và chiếm chỗ hội họa giá vẽ và điêu khắc trong nhiều triển lãm. Và rồi cũng dần tìm lại những giá trị tốt đẹp của hội họa để phát triển những sắc thái mới trong thời đại thông tin và hội nhập.

Quá nhiều những biến đổi trong một thời gian ngắn mà lại không có bảo tàng nào trong nước sưu tập những sáng tác trẻ trung mới mẻ, không có những nhà phê bình, nghiên cứu tổng kết những mạch phát triển của nghệ thuật hiện tại ở Việt Nam.

 Những vấn đề về dân chủ, tính nhân văn, sự hủy hoại môi trường, sự lệ thuộc vào văn minh kỹ thuật và công nghiệp, sự thất nghiệp và cô độc trong khi người mỗi ngày một đông, đất mỗi ngày một hẹp và sự dần biến đổi của làng xã truyền thống... trở thành những chủ đề chính của nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt trong sáng tác của các nghệ sĩ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một thoáng nhìn về nền nghệ thuật Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO