Mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội

HT| 21/11/2021 07:36

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam từ năm 2016-2020, đã có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia.

Mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội

BHXH Việt Nam cho biết, tính đến tháng 10/2021, số người rút BHXH một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan này đánh giá đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, kinh tế - xã hội cũng như chính sách an sinh.

Thống kê từ năm 2016-2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26-29 tuổi. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu rút BHXH một lần, lao động mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm trước năm 2014 và 0,64 tháng lương với mỗi năm đóng sau 2014. Hưởng BHXH một lần có thể đáp ứng được tài chính trước mắt, song sẽ lấy đi các tầng an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế, tử tuất. Về lâu dài, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh. Thống kê hiện nay trên 60% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu.

Trong dự thảo tờ trình về Luật BHXH (sửa đổi) lấy ý kiến lần đầu hồi tháng 4/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất siết điều kiện hưởng BHXH một lần. Việc sửa đổi theo hướng giải quyết với lao động hết tuổi làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có nhu cầu đóng tiếp, trừ người ra nước ngoài định cư hợp pháp, mắc bệnh hiểm nghèo. Người chưa hết tuổi lao động muốn nhận một lần thì mức hưởng thấp hơn hiện nay.

Năm 2015, khi sửa đổi Luật BHXH (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), đề xuất hạn chế nhận BHXH một lần từng được quy định tại Điều 60, nhưng chưa thực hiện được vì công nhân phản ứng. Chính phủ sau đó phải kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Theo chuyên gia, nếu khởi động lại chính sách này, cần có lộ trình phù hợp để tránh "vết xe đổ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO