Malaysia khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây Việt Nam
Malaysia vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt thép dây (steel wire rods) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam. Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa, đại diện là Công ty Thép Southern Steel Berhad.
Sản phẩm bị điều tra: thép dây thuộc mã HS và AHTN: 7231.91.10.00; 7213.91.20.00; 7213.91.90.00; 7227.90.90.00 (mã HS chỉ có tính chất tham khảo).
Thời kỳ điều tra: bán phá giá (1/3/2023 - 29/2/2024); thiệt hại (1/3/2021 - 28/2/2022).
Sau khi khởi xướng, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho một số bên, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan. Trong trường hợp chưa nhận được bản câu hỏi điều tra, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam xuất khẩu sản phẩm bị điều tra đi Malaysia cần liên lạc với MITI, đăng ký làm bên liên quan trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng để được gửi bản câu hỏi điều tra.
Các bên liên quan cần gửi lập luận bằng văn bản và gửi bản trả lời bản câu hỏi điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng công báo thông báo khởi xướng (tức chậm nhất là ngày 9/11/2024). Trường hợp không nhận được bình luận, bản trả lời câu hỏi điều tra, thông tin cung cấp, cơ quan điều tra sẽ sử dụng dữ kiện có sẵn để tính toán.
Để kịp thời ứng phó vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị đề nghị điều tra như sau: Nghiên cứu kĩ thông báo khởi xướng, liên lạc, đăng ký làm bên liên quan và đề nghị MITI gửi bản câu hỏi điều tra, đơn kiện bản công khai; gửi ý kiến bình luận về vụ việc
Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp được khuyến nghị hợp tác đầy đủ và toàn diện với cơ quan điều tra để tránh bị kết luận không hợp tác (thường dẫn tới mức thuế cao), đề nghị cơ quan điều tra cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp (các kết luận điều tra, phương pháp tính biên độ phá giá) trong các giai đoạn sau của vụ việc. Đồng thời, giữ liên lạc, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Malaysia đạt 2,61 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 39 mặt hàng chính, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD với tổng 1,49 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Đáng chú ý, sắt thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Malaysia với 307 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ lại giảm 0,2%.