Ngân hàng Trung ương Malaysia vừa công bố một số biện pháp nhằm tăng cường nhu cầu đối với đồng ringgit, đồng thời giúp giảm tính dễ bị tổn thương của đồng nội tệ nước này trước đồng USD.
Hôm 2/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Adnan Zaylani cho hay một trong những biện pháp sẽ được áp dụng từ ngày 5/12 tới là bắt buộc các nhà xuất khẩu phải đổi 75% số tiền họ kiếm được ra đồng ringgit.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu chỉ được yêu cầu đưa tiền thu được trở về Malaysia trong vòng ba tháng sau khi hoàn thành các giao dịch. Số tiền này được cho phép cất giữ bằng ngoại tệ. Do đó, hầu hết các nhà xuất khẩu của Malaysia có xu hướng giữ tiền bằng đồng USD tại các ngân hàng, với quan điểm rằng đồng tiền này có xu thế tăng giá trị trong dài hạn.
Số tiền mà các nhà xuất khẩu đang giữ bằng ngoại tệ tương đương khoảng 20,2 tỷ USD. Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, chính điều này đã góp phần làm cho đồng ringgit suy yếu so với đồng USD.
Kể từ đầu năm 2015 đến nay, đồng ringgit đã giảm 3,72% giá trị so với đồng USD.
Một biện pháp nữa mà Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ áp dụng, đó là đặt ra giới hạn về lượng ngoại tệ mà các công ty và cá nhân có thể đầu tư ở trong và ngoài nước. Theo đó, các công ty phải đi vay mượn chỉ được đầu tư tối đa lượng tiền tương đương 50 triệu ringgit vào các tài sản trong nước được định giá bằng đồng ngoại tệ. Con số này đối với cá nhân là 1 triệu ringgit.
Hiện tỷ giá giữa đồng ringgit và đồng USD ở mức 1 USD tương đương 4,45 ringgit.
>Thanh toán bằng nội tệ - Rào cản xuất khẩu trong EVFTA
>Trung Quốc dùng vàng để quốc tế hóa nội tệ?
>Kinh nghiệm thế giới: khôi phục giá trị nội tệ, dân sẽ thôi tích trữ vàng