Thương vụ M&A giữa Masan và Vingroup: Những toan tính lợi ích

Khánh Phương| 15/12/2019 01:00

Vingroup vẫn là cổ đông lớn của doanh nghiệp sau sáp nhập khi thương vụ trên là hoán đổi cổ phần. Nhưng liệu Vingroup có thoái vốn hoàn toàn để thêm "tiền tươi thóc thật" phục vụ cho kế hoạch kinh doanh khác của tập đoàn.

Thương vụ M&A giữa Masan và Vingroup: Những toan tính lợi ích

Lợi ích các bên

Những ngày đầu tháng 12/2019, thị trường xôn xao bởi thông tin về vụ sáp nhập giữa hai công ty con của Vingroup (HOSE: VIC) và Masan (HOSE: MSN); theo đó Công ty Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố thông tin, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã có thông báo gửi tới các nhà cung cấp về việc từ ngày 9-12/12/2019 sẽ tạm ngưng nhập hàng (trừ hàng tươi sống) để kiểm kê, theo đúng quy định sau khi sáp nhập với Masan. 

Những lợi ích của các bên đã được nói đến khá nhiều kể từ khi thông tin được công bố, tựu trung là về phía VIC có thể “rảnh tay” hơn để tập trung phát triển các lĩnh vực khác như sản xuất và công nghệ, được xem là mũi nhọn của Tập đoàn trong ba năm trở lại đây. Việc rút khỏi mảng bán lẻ, vốn chưa mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí có thể phải tiêu tốn nhiều tiền hơn trong giai đoạn tới nếu tiếp tục giữ lại trước khi đạt điểm hòa vốn, sẽ giúp Vingroup cải thiện năng lực tài chính.

Về phía Masan, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ sẽ là miếng ghép hoàn chỉnh trong chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (mô hình Feed Farm Food - 3F), khi trong thông cáo báo chí về thỏa thuận sáp nhập, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ tại 50 tỉnh - thành, giúp MSN tăng cường lợi thế cạnh tranh, tăng biên lợi nhuận, do không phải phụ thuộc và chia sẻ hàng hóa cho mạng lưới các nhà phân phối khác.

Link bài viết

Lợi ích từ thương vụ này còn giúp ngành bán lẻ không bị rơi hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam mở hết cửa thị trường. Với chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất hiện nay, nếu VIC lựa chọn chuyển giao cho một tập đoàn nước ngoài thay vì là MSN, thì chẳng khác nào là tiếng chuông cảnh báo đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thiệt hại trước mắt và các câu hỏi còn bỏ ngỏ

Giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan - công ty mẹ của Masan Consumer, đối tượng chính trong thương vụ sáp nhập đã giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ra, tính riêng trong tuần qua đã mất giá hơn 11%.

Dù vậy, đây được xem là điều bình thường trong các thương vụ M&A, khi bên mua thường bị nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu do được cho là phải mua với giá cao hơn giá trị thực vì chênh lệch thông tin là hiển nhiên. Hiệu quả kinh doanh của MSN trong tương lai cũng là một dấu hỏi khi mảng này vẫn đang khiến Vingroup bị lỗ trong suốt thời gian qua. Rõ ràng với gánh nặng từ VIC chuyển sang MSN thì nhà đầu tư e ngại và bán tháo cổ phiếu này cũng không có gì lạ.

Một câu hỏi là liệu sau khi sở hữu hệ thống bán lẻ trên, Masan Consumer có đẩy các mặt hàng tiêu dùng khác đang cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp này ra khỏi chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ hay không. Như vậy liệu có vi phạm luật cạnh tranh? Nếu nhìn vào hành động của các kênh phân phối nước ngoài khi ưu tiên với hàng hóa do nước họ sản xuất, đồng thời đối xử phân biệt với hàng Việt, thì câu hỏi trên cần được lưu tâm.

Bên cạnh đó, dù lọc lõi trong ngành hàng tiêu dùng, nhưng việc quản trị kênh phân phối bán lẻ cũng không phải là mảng mà MSN có nhiều kinh nghiệm. Liệu việc chuyển giao này sẽ mang lại hiệu quả hơn cho chuỗi phân phối so với dưới thời của Vingroup, nhất là khi người tiêu dùng trong nhiều năm qua thành kiến về một số tai tiếng trong chiến lược truyền thông sản phẩm của MSN.

Về cơ bản, VIC vẫn là cổ đông lớn sau sáp nhập khi thương vụ trên là hoán đổi cổ phần. 

Sau thương vụ này, liệu VIC có tiếp tục rút khỏi các mảng kinh doanh khác để tập trung cho những lĩnh vực cốt lõi được xác định gần đây? Hiện tại, VIC đang có mặt ở các lĩnh vực bất động sản, du lịch, y tế, giáo dục, bán lẻ, thương mại điện tử, sản xuất, ô tô, công nghệ và gần đây là hàng không. Với một tập đoàn đa ngành và phải dàn trải nguồn lực quá nhiều như thế, áp lực về tính hiệu quả và sự tăng trưởng đồng đều là không hề nhỏ.

Cũng cần lưu ý về mối quan hệ giữa ông Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Đăng Quang, khi cả hai đều từ Đông Âu trở về và khởi đầu ở ngành thực phẩm. VIC của ông Vượng hiện là khách hàng lớn nhất của Techcombank - nơi ông Quang cũng là cổ đông lớn trong suốt nhiều năm qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương vụ M&A giữa Masan và Vingroup: Những toan tính lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO