Quốc tế

Lý do Malaysia khó thoát bẫy thu nhập trung bình

Bảo Quân 15/01/2024 08:17

Có 4 lý do khiến Malaysia khó thoát bẫy thu nhập trung bình và nước này có thể triển khai một số giải pháp thúc đẩy khối doanh nghiệp để vượt qua.

Chỉ vài năm qua, Malaysia đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng đối với vị trí người đứng đầu đất nước, dù tình hình chính trị dường như đã ổn định. Theo TS. Sivapalan Vivekarajah - Đối tác cấp cao, đồng sáng lập của ScaleUp Malaysia, với việc bầu ông Anwar Ibrahim làm thủ tướng, người dân Malaysia rốt cục đã có thể hy vọng rằng nước này sẽ có cơ hội tỏa sáng trở lại sau nhiều biến động chính trị và đại dịch.

ly-do-malaysia-kho-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh(1).jpg
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Khoảng 1 năm sau khi thành lập chính phủ, Thủ tướng Ibrahim đã nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy tăng trưởng vào cuối năm ngoái, nói rằng "đã đến lúc tập trung để phát triển nền kinh tế". Trước đó, chính phủ của ông hồi tháng 7/2023 đã công bố Kế hoạch Kinh tế Madani 10 năm và Lộ trình Chuyển đổi Năng lượng quốc gia, tiếp nối bởi đợt đánh giá giữa giai đoạn của Kế hoạch Malaysia thứ 12 và Quy hoạch tổng thể Công nghiệp mới 2030 vào tháng 9. Một tháng sau đó, ông Ibrahim cùng Nội các tiếp tục giới thiệu Lộ trình Công nghệ và Nền kinh tế Hydro.

Dù chưa rõ sự liên hệ của các kế hoạch này, mục tiêu lớn của chính phủ dường như đã rõ: tăng trưởng hằng năm trên 5,5%. Nếu Malaysia tăng trưởng 5,5%/năm và đồng Ringgit không giảm mạnh so với USD, nước này có thể thoát bẫy thu nhập trung bình trong 2 hoặc 3 năm (theo định nghĩa của World Bank), nhờ đó gia nhập nhóm nước thu nhập cao. Tuy nhiên, triển vọng này không dễ dàng.

4 lý do Malaysia khó thoát bẫy thu nhập


Vào năm 1996, Malaysia đã trở thành nước có thu nhập trung bình cao, theo tài liệu của Giáo sư Jesus Felipe thuộc Đại học De La Salle ở Philippines, khi ông đang làm việc tại Ngân hàng Phát triển châu Á năm 2012. Theo GS Felipe, các nước thu nhập trung bình cao sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không thể tiến lên trong hơn 15 năm. Khi mắc kẹt, các nước này sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng trì trệ: một mặt mắc kẹt giữa các nước phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến và mặt khác phải cạnh tranh với các nước đang phát triển có nguồn lao động giá rẻ dồi dào. Mô tả này phù hợp với tình trạng của Malaysia và lý do cho điều này trở nên rõ ràng hơn khi đối chiếu Malaysia với Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Về dân số, Đài Loan và Hàn Quốc không khác nhiều so với Malaysia, khi cả ba có lần lượt 23, 51 và 33 triệu người. Năm 1981, GDP bình quân đầu người cách nhau không xa, với mức ở Đài Loan là 2.691 USD, Hàn Quốc là 1.883 USD và Malaysia là 1.920 USD. Theo GS Felipe, Đài Loan trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao năm 1986, tiếp theo là Hàn Quốc 2 năm sau. Đài Loan bước lên vị thế có thu nhập cao vào năm 1993, với Hàn Quốc theo sau năm 1995. Như vậy, mất chỉ 7 năm để cả hai chuyển từ trạng thái thu nhập trung bình cao sang thu nhập cao. Năm ngoái, GDP bình quân đầu người của Malaysia là 12.465 USD, thấp hơn nhiều so với 32.687 USD của Đài Loan và 32.418 USD của Hàn Quốc.

Lý do thứ nhất khiến Đài Loan và Hàn Quốc không rơi vào bẫy thu nhập là hai nơi này không có vấn đề sắc tộc phức tạp khiến phải theo đuổi các chính sách kinh tế - xã hội khó khăn, trong khi đây lại là vấn đề nhức nhối ở Malaysia. Cụ thể, 12 năm sau khi Malaysia độc lập năm 1957, một cuộc bạo loạn sắc tộc đã nhấn chìm Kuala Lumpur. Dù người Mã Lai chiếm gần 70% dân số, người gốc Hoa chiếm chưa tới 30% lại kiểm soát nền kinh tế và căng thẳng từ việc này đã dẫn đến xung đột làm khoảng 200 người thiệt mạng. Để ngăn thảm kịch tái diễn, chính phủ bắt đầu giải quyết chênh lệch kinh tế và vào năm 1971 đã áp dụng chính sách Bumiputera hỗ trợ người Mã Lai trong mọi khía cạnh cuộc sống, gồm tuyển sinh vào trường học, việc làm và cả việc sở hữu cổ phần.

ly-do-malaysia-kho-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh.jpg
Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia là nơi diễn ra cuộc bạo loạn sắc tộc giữa người Mã Lai và người Hoa, còn gọi là Biến cố 13/5.

Thứ hai, cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài công nghiệp hóa vì không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên như Malaysia. Theo TS. Sivapalan, Malaysia hiện vẫn chủ yếu là nền kinh tế sản xuất công nghệ thấp và cũng phụ thuộc vào tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và dầu cọ. Dù vậy, cần lưu ý rằng Malaysia đã thoát được bẫy tài nguyên, trong đó sự hiện diện của nguồn tài nguyên dồi dào cản trở con đường công nghiệp hóa của một quốc gia. Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Malaysia là sản phẩm điện và điện tử, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nước này cũng vượt Mỹ và Nhật Bản về giá trị xuất khẩu sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn.

Thứ ba, trong khi Đài Loan và Hàn Quốc có các doanh nghiệp (DN) với sức cạnh tranh vào hàng quốc tế như TSMC, Hyundai Motor hay Samsung Electronics để thúc đẩy tăng trưởng, Malaysia thất bại trong việc nuôi dưỡng các DN lớn như vậy. Thay vào đó, nền kinh tế lại được dẫn dắt bởi các tổ chức trực thuộc chính phủ, và ngành công nghiệp ô tô, điện và điện tử nước này cũng phụ thuộc vào DN nước ngoài. Trên thực tế, dù được thành lập tại Malaysia, Grab đã nhanh chóng chuyển trụ sở đến Singapore để tìm cơ hội gây quỹ và các lợi ích khác. Nhìn chung, sự thiếu năng động về kinh tế của Malaysia là nguyên nhân khiến đường cong tăng trưởng thấp hơn.

Thứ tư, dù đã có thu nhập trung bình, cấu trúc của nền kinh tế Malaysia vẫn tương tự như cấu trúc của một nước kém phát triển. Theo Cục Thống kê Malaysia, MSMEs (DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa) chiếm tới 97,4% tổng số cơ sở kinh doanh nội địa. Trong đó, 76,1% là DN siêu nhỏ, 19,7% là DN nhỏ, 1,6% là DN vừa và chỉ 2,6% là DN lớn, gồm cả các công ty đa quốc gia.

Phần lớn DN siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và chỉ 5,8% hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. "Vì vậy, dù có thu nhập bình quân đầu người tương đương với thu nhập của một quốc gia có thu nhập trung bình, chúng ta không thể thoát khỏi ràng buộc này vì đại đa số doanh nghiệp là nhỏ và công nghệ thấp. Nên, chúng ta đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình", ông Sivapalan viết.

ly-do-malaysia-kho-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh(1).png

Những việc cần làm ngay

Theo vị tiến sĩ, Malaysia cần hỗ trợ DN áp dụng công nghệ và có biện pháp trừng phạt DN không áp dụng nếu muốn phát triển. Nói cách khác, cần triển khai chính sách "cây gậy và củ cà rốt". Theo đó, chính phủ có thể cung cấp các khoản tài trợ phù hợp hoặc khoản vay không lãi suất cho DN áp dụng công nghệ tại địa phương trong tất cả lĩnh vực, dù là dịch vụ, sản xuất hay bán lẻ. Đồng thời, chính phủ cũng cần dần loại bỏ việc sử dụng lao động nước ngoài trong hầu hết lĩnh vực này, chẳng hạn như trong 5 năm, và kiên định để các lĩnh vực này buộc phải áp dụng công nghệ mới.

''Tôi nhớ cách đây vài năm, từ cửa sổ khách sạn của tôi ở Perth, Australia, tôi đã thấy một khu chung cư đang xây dựng. Trong 6 tiếng một ngày, họ đã dựng được 4 tầng của tòa nhà và chỉ khoảng 6 công nhân lắp các bức tường và sàn đúc sẵn. Nó thực sự tuyệt vời. Tòa nhà tương tự ở Malaysia sẽ cần 20 công nhân và họ sẽ chỉ hoàn thành một tầng mỗi ngày. Tất cả vấn đề nằm ở công nghệ'', ông Sivapalan kể.

Dù là lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, xây dựng hay dịch vụ, công nghệ đều có thể phá vỡ các mô hình kinh doanh hiện tại và giúp tạo ra đột phá, đưa các lĩnh vực này lên tầm cao mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi công nghệ lại không xảy ra là vì sự bảo thủ trong tư duy của những người làm kinh doanh. Họ sẽ cứ theo cách của họ và sẽ không áp dụng công nghệ mới, chừng nào còn chưa có nhu cầu. Họ quá thoải mái và chính phủ vẫn còn nhân nhượng với lao động giá rẻ nên họ không "thèm" cải thiện.

Do đó, chính phủ mới của Malaysia sẽ cần hành động quyết liệt, tích cực nghiên cứu từng lĩnh vực, hiểu các công nghệ hiện có và xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng (củ cà rốt) và chính sách thúc ép (cây gậy) để đưa doanh nghiệp ra khỏi vùng an toàn của họ nếu muốn nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập.

Nếu không làm điều này ngay bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục tụt lại phía sau, không chỉ Indonesia và Việt Nam mà chẳng bao lâu nữa Thái Lan và Philippines cũng sẽ vượt chúng ta, và đó sẽ là một cơ hội bị tuột mất. Chúng ta sẽ không lấy lại danh hiệu Hổ châu Á mà thay vào đó sẽ chỉ là một chú Mèo châu Á. Đó thực sự sẽ là một điều rất đáng buồn.

TS. Sivapalan Vivekarajah - Đồng sáng lập của ScaleUp Malaysia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý do Malaysia khó thoát bẫy thu nhập trung bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO