Lữ hành gặp khó vì giá tăng

Nam Nguyễn| 30/06/2022 06:00

Hiện nay, để kích thích và thúc đẩy du lịch, giá tour gần như đang giữ nguyên trong khi giá vận chuyển, ăn uống đã tăng khá cao khiến doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành này gặp không ít khó khăn.

Lữ hành gặp khó vì giá tăng

Tìm cách giữ giá tour ổn định

Giá xăng dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào trong dịch vụ cấu thành giá tour. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Hoàng - đại diện truyền thông của Vietravel Airlines, xăng chiếm tỷ trọng từ 30-50% tổng chi phí của hãng. So với quý I/2022, giá vé máy bay đã tăng khoảng 49%.

Đối với xe vận chuyển khách du lịch, theo chia sẻ của giám đốc nhà xe Hoàng Đế ở TP.HCM và nhà xe Phương Các ở Phú Quốc, giá tăng khoảng 10%. Đại diện một hãng xe vận chuyển ở miền Trung cho biết, với những xe "đã chốt" hồi tháng trước, giờ phải bù lỗ từ 2-5 triệu đồng/xe, nghĩa là DN du lịch đã thỏa thuận thuê xe sẽ phải trả thêm tiền mới có xe phục vụ khách. "Chỉ tính riêng giá xe cho tour di sản miền Trung hiện là 21 triệu đồng, tour Huế 4 ngày giá thuê xe 12 triệu đồng, chưa tính thuế VAT", đại diện một hãng xe ở miền Trung nói và cho biết sắp tới giá thuê xe sẽ còn tăng.

Giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM chia sẻ, giá dịch vụ vận chuyển tăng cao một phần vì giá xăng nhưng quan trọng là do "cầu hơn cung" nên thường mùa cao điểm du lịch hay cuối tuần sẽ "cháy xe".

Ông Thi Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm du lịch khách lẻ BenThanh Tourist cho biết: "Nếu so giá tour hiện tại với mùa thấp điểm du lịch trong nước, bao gồm cả việc tăng giá xăng như hiện nay, giá chênh lệch khoảng 500.000-700.000 đồng/người/tour du lịch nội địa. Để kích thích và thúc đẩy du lịch, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch chấp nhận lời ít để bình ổn giá tour".

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông TSTtourist, chi phí cho vận chuyển chiếm khoảng 60% trên tổng giá thành nên khi nhiên liệu tăng đã đội giá tour lên cao so với trước. Tuy nhiên, các DN lữ hành đang cố gắng bán sản phẩm không gây đột biến về giá để góp phần phục hồi lượng du khách khi dịch Covid-19 đã được khống chế. Nhưng với giá xăng dầu tăng nhanh và liên tục như hiện nay, DN cũng chỉ có thể điều tiết lợi nhuận một giai đoạn ngắn chứ không thể kìm giá quá lâu.

Để bình ổn giá tour, tránh biến động giá theo mùa cao điểm và do nhiên liệu tăng, các công ty lữ hành đã phải thay đổi cách kinh doanh bằng cách "mua sỉ” giá các dịch vụ để giảm chi phí. 

Giảm sức cạnh tranh điểm đến

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel khẳng định, hiện nay vé máy bay quốc tế, vé máy bay nội địa và xe di chuyển trong suốt chương trình tour đều tăng cao. Sau hai năm khó khăn vì đại dịch, xu thế chọn điểm đến của du khách các nước là an toàn và chi phí thấp. Do đó, so sánh với các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á, việc Việt Nam tăng cao giá thành tour vì giá xăng dầu tăng là một trong những trở ngại lớn. Thực tế là hiện nay khách du lịch nhiều nước e ngại khi book tour du lịch Việt Nam.

Bà Phương Hoàng dẫn chứng, tại Vietravel, thông tin từ các văn phòng nước ngoài gửi về cho biết, lượng du khách chốt đến Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân là do các chuyến bay quốc tế chưa nhiều, giá lại cao. 

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, giá tour không ổn định ảnh hưởng đến sự quyết định của khách du lịch nước ngoài muốn vào Việt Nam. Hiện nay, giá nhiên liệu của Việt Nam cao hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan hay Singapore. Nếu lữ hành giữ giá thì DN phải bù lỗ, nhưng nếu tăng giá thì sẽ tạo sự bất ổn định trong giá tour đã chào với đối tác nước ngoài trước đó. Vì thế, sự cạnh tranh khách quốc tế của Việt Nam có nhiều khả năng sẽ mất lợi thế.  

Cũng theo ông Nguyễn Minh Mẫn, du khách thường so sánh về điểm đến, về chính sách nhập cảnh, về giá thành và thường chọn điểm đến đồng hạng nhưng có giá thấp hơn. "Bây giờ khách nhiều nước còn thời gian để lựa chọn điểm đến cho năm sau, trong khi giá tour du lịch ở Việt Nam bấp bênh theo giá nhiên liệu thì khách sẽ chọn đến Thái Lan, Singapore hay Malaysia", ông Mẫn chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, giá tăng cao, nhiều du khách sẽ không đi tour công ty lữ hành mà du lịch tự túc. Việc du lịch tự túc sẽ xuất hiện rủi ro không chỉ cho du khách mà DN các điểm đến cũng bị động, sẽ ảnh hưởng cục diện chung trong quản lý, đánh giá về phương án đầu tư.

Các DN du lịch cho rằng, hiện nay trên mỗi lít nhiên liệu và dịch vụ hàng không đang phải chịu nhiều loại thuế, phí. Vì thế, nếu Nhà nước điều tiết chính sách thuế, phí thì giá tour sẽ giảm, lấy đà cho DN du lịch cạnh tranh quốc tế.

Với đà phát triển như hiện nay, từ năm 2023, du lịch quốc tế phục hồi. Để đạt được mục tiêu đón khách quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển như kế hoạch, Nhà nước phải tạo điều kiện bằng cách can thiệp để giảm chi phí đầu vào, cụ thể là giảm giá nhiên liệu và các loại thuế, phí. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lữ hành gặp khó vì giá tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO