Du lịch

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ để du lịch TP.HCM phát triển bền vững

Hồng Nga 18/07/2024 - 12:28

Mặc dù đã phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp (DN) du lịch tại TP.HCM vẫn đang khó khăn về nguồn vốn và rất cần hỗ trợ.

Thiếu vốn lưu động

Theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, tới 70% DN lữ hành và 60% DN lưu trú đang gặp khó khăn về thiếu vốn lưu động nghiêm trọng. Có đến 30% DN thậm chí tỏ ra lo ngại về khả năng trả nợ ngân hàng.

doithoai.jpg

Một số DN phản ánh, sau dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã phục hồi nhưng DN vẫn gặp khó khăn khi phải đặt cọc trước số tiền lớn cho vé máy bay, khách sạn. Thậm chí, nhiều DN buộc phải đặt cọc trước một năm để có được mức giá cạnh tranh khiến nguồn vốn lưu động bị hạn chế ghiêm trọng.

Ông Trần Văn Bình - Tổng giám đốc Công ty Việt Mỹ Tourist cho rằng: "Chi phí đặt cọc trước cho các đối tác cung cấp dịch vụ lữ hành chiếm rất nhiều vốn lưu động. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vẫn khó khăn, nhất là với các DN quy mô nhỏ. Chúng tôi rất cần các chính sách hỗ trợ về vốn lưu động từ ngân hàng và chính quyền thành phố".

Chiều 17/7, tại hội nghị đối thoại giữa DN du lịch và chính quyền do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến kiến nghị về ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động, cơ sở lưu trú dành cho DN và ổn định giá dịch vụ du lịch đã được đưa ra.

Theo các DN, bên cạnh ưu đãi về thuế, DN du lịch TP.HCM vẫn đang cần những hỗ trợ thiết thực hơn về tài chính và tín dụng để giải quyết nạn thiếu vốn trầm trọng hiện nay. Nhiều ý kiến kiến nghị cần có gói vay ưu đãi về lãi suất và điều kiện bảo lãnh để các DN nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

"Để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ, ngân hàng và chính quyền TP.HCM sẽ sớm ban hành các chính sách tín dụng đồng bộ, tháo gỡ vấn nạn thiếu vốn của các DN du lịch", đại diện một DN lữ hành kiến nghị.

doi-thoi.jpg
Các DN tham gia buổi đối thoại

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Chia sẻ tại buổi đối thoại, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trước thực trạng khó khăn của DN, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 110 về giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ du lịch từ đầu năm 2023 đến hết quý 2/2024. Đây là giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo điều kiện cho DN cải thiện giá cả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, ngày 28/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí. Cụ thể, thông tư này quy định giảm 50% các loại phí gồm: phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Chính sách này đã giúp các công ty du lịch lữ hành quốc tế giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển các tour du lịch quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của du lịch nội địa, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn du lịch và khám phá các vùng miền khác nhau của đất nước.

“Để thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, Sở Du lịch sẽ chủ động nắm bắt khó khăn vướng mắc của DN liên quan đến cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng để phản ánh kịp thời đến Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để có hướng tháo gỡ phù hợp”, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh.

Theo bà Ngọc Hiếu, Thành phố đang xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó tập trung vào các bảo tàng, khu di tích gắn với văn hóa lịch sử, các khu điểm du lịch phát triển… Đề án này cũng hướng đến việc phát triển những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm.

ba-hieu.jpg
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết sẽ chủ động nắm bắt khó khăn vướng mắc của DN để có hướng tháo gỡ phù hợp

Đây được xem là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành du lịch TP.HCM phát triển. Bởi theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 56% khách quốc tế tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử, trong khi đó 28% khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa - du lịch.

Vì vậy, ngành du lịch TP.HCM cần phát triển một chương trình nghệ thuật thực cảnh về thành phố làm điểm nhấn trong chương trình tham quan với bản sắc riêng, có chiều sâu của văn hóa, lịch sử… theo xu hướng của thế giới để thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.

Với sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực về nguồn vốn, kết hợp với các chính sách ưu đãi thuế và các đề án phát triển du lịch, các DN du lịch tại TP.HCM sẽ có điều kiện phục hồi nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước. Thành phố cần tiếp tục nắm bắt và phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN để có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn và hiệu quả, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ để du lịch TP.HCM phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO