Do hành động quân sự tại Ukraine, Nga đang phải hứng chịu loạt trừng phạt mạnh mẽ từ các nước phương Tây. Sau đó, giá trị đồng ruble đã giảm tới 40% so với USD, xuống mức thấp nhất 119 ruble/USD trong phiên 1/3/2022 ở châu Á.
Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất lên 20% từ 9,5% để giảm bớt tác động của việc đồng ruble mất giá. Dù Nga khẳng định có đủ nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính, song điều này không thể ngăn nhu cầu rút tiền mặt tăng cao.
"Nghĩ kinh tế Nga không bị ảnh hưởng là sai lầm. Những tác động tiêu cực có thể không được cảm nhận tức thì nhưng về lâu dài, các đợt trừng phạt sẽ làm hạn chế tiềm năng của Nga", chuyên gia Christopher Granville của Ngân hàng TS Lombard (trụ sở London – Anh) khẳng định.
Dòng người xếp hàng chờ sử dụng ATM tại TP.Saint Petersburg - Nga hôm 27/2/2022. Ảnh: Reuters |
Dựa vào Trung Quốc?
Theo AP, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và chuyên gia về cấm vận dự báo Nga sẽ cố gắng giảm tác động của trừng phạt bằng cách dựa vào việc bán nhiên liệu, dự trữ vàng và nhân dân tệ. Ông Putin cũng sẽ kì vọng vào việc chuyển tiền qua các ngân hàng nhỏ và tài khoản của các gia đình tài phiệt không bị ảnh hưởng bởi cấm vận. Các con đường khác bao gồm tiền điện tử và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
Cựu Giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ John Smith nói: "Hiện tại, hai lối thoát tốt nhất mà Nga có là Trung Quốc và năng lượng".
Mỹ và EU đã đánh vào những ngân hàng lớn nhất và tầng lớp tinh hoa Nga, đóng băng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, cấm các tổ chức tài chính sử dụng SWIFT. Dù vậy, phần lớn dầu và khí tự nhiên của Nga vẫn được tự do buôn bán trên thế giới.
Nga có khả năng sẽ thắt chặt quan hệ với Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ từ phương Tây. Tuy nhiên, Smith nói: "Nga đang đặt cược vào nhu cầu về nguồn dự trữ nhiên liệu không lồ của mình, đặc biệt trong mùa đông lạnh. Nếu có thể bán ra thị trường, Nga sẽ thu lợi lớn từ nguồn nhiên liệu này".
Ngoài ra, biện pháp trừng phạt vẫn cho phép giao dịch liên quan đến nhiên liệu. Cấm vận cũng không ảnh hưởng tới dự trữ vàng của Nga, nguồn tài sản mà ông Putin đã dự trữ trong suốt nhiều năm.
Nga có khả năng sẽ thắt chặt quan hệ với Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ từ phương Tây |
Hy vọng mong manh vào tiền mã hóa
Theo David Szakonyi - Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học George Washington, một lối thoát Nga chắc chắn sẽ dùng là dựa vào tiền mã hóa cho các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, Szakonyi khẳng định "tiền mã hóa khó có thể sử dụng thay thế cho các giao dịch lớn trong tương lại".
Khoảng 80% giao dịch tài chính của Nga trong quá khứ sử dụng đồng USD. Theo một quan chức giấu tên thuộc Nhà Trắng, các nhà làm luật và quan chức Bộ Tài chính Mỹ đang tăng cường hành động để "tích cực chiến đấu" với việc sử dụng tiền mã hóa nhằm né cấm vận.
Ari Redbord - cựu cố vấn cao cấp Bộ Tài chính, hiện là Giám đốc các vấn đề chính sách nhà nước tại công ty chuyên phân tích tội phạm tài chính TRM, nói tổ chức của ông đã xác định ít nhất 340 doanh nghiệp được Nga sử dụng với mục đích chuyển đổi tiền mã hóa. Redbord cho rằng, bởi bề rộng của các biện pháp trừng phạt, khối lượng tiền mã hóa mà Nga cần để thay thế hàng tỷ USD bị đóng băng sẽ "khó để quy đổi thành tiền mặt".
Ori Lev, người đứng đầu ban hành pháp tại Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài dưới thời Tổng thống Obama cho rằng nhìn chung: "Dù dùng biện pháp nào, tiền điện tử hay dựa vào Trung Quốc, Nga cũng khó lòng xây dựng lại hệ thống tài chính". Tôi không nắm rõ các bước để Nga có thể giảm thiểu nỗi đau từ cấm vận, nhưng chắc chắn mọi thứ không thể trở lại như ban đầu", ông Lev nói