Lối ra nào cho dự án treo ở biển Cửa Đại?

BÍCH HỒNG| 03/11/2008 00:05

Con đường ven biển Cửa Đại tuyệt đẹp vì nó nối phố cổ Hội An với biển. Từ khi con đường này được hoàn thành cách đây bốn năm, mặc nhiên những dải bờ cát với những hàng dương liễu xanh đã trở thành những dự án du lịch “vàng” vô cùng hấp dẫn.

Lối ra nào cho dự án treo ở biển Cửa Đại?

Con đường ven biển Cửa Đại tuyệt đẹp vì nó nối phố cổ Hội An với biển. Từ khi con đường này được hoàn thành cách đây bốn năm, mặc nhiên những dải bờ cát với những hàng dương liễu xanh đã trở thành những dự án du lịch “vàng” vô cùng hấp dẫn. Hàng chục nhà đầu tư lớn, nhỏ, có tiếng và không có tiếng cùng tham gia làm dự án du lịch.

Nói các dự án là “vàng” bởi vì tiền thuê đất ở đây rẻ như bèo, cộng thêm vô số các khoản ưu đãi xé rào, kết quả của tư duy thành tích nhằm làm tăng con số ngoại tệ đầu tư trên giấy trong những năm trước. Các nhà đầu tư chỉ cần tìm được đối tác để sang tay dự án là lời bộn. Vì vậy, chuyện dự án treo là chuyện không còn lạ ở khu vực này.

Đáng lo là trong 4 - 5 năm, các chủ dự án chưa kịp sang tay hoặc chạy tài chính thì chính biển đã “ngốn” mất 30ha đất dự án. Mỗi năm, vào mùa mưa bão, sóng biển đánh trực tiếp vào khu vực này và “ngấu nghiến” khoảng 400m đất. Còn 4 dự án chưa triển khai, hoặc mới rục rịch triển khai thời gian gần đây nhưng diện tích đất được cấp đã bị biển xâm thực, xói lở nghiêm trọng.

Theo tài liệu của Phòng Tài nguyên môi trường Hội An, năm 2008, đất Khu du lịch cấp cho Công ty du lịch Hội An chỉ còn 3,5ha, Công ty Đông Dương còn 3,13ha, Công ty Cù lao Chàm còn 8,6ha, tức là một nửa hoặc hai phần ba so với tổng diện tích cấp ban đầu. Chỉ trong vòng vài năm, biển đã ăn sâu và có nguy cơ cuốn trôi con đường du lịch ven biển nếu như không kịp thời ngăn chặn.

Chuyện biển “ăn đất”, dân làng Phước Trạch, Cửa Đại vẫn chiến đấu với nó, và họ đã trồng một dải rừng dương liễu dày đặc ven biển để giữ đất khá hiệu quả hàng trăm năm nay. Khi các nhà đầu tư được giao dự án, tất cả rừng dương liễu ven biển bị chặt bỏ sau khi đền bù. Cả dải đất ven biển đột ngột phơi ra trống trải trước biển và cứ thế hiến cho biển mỗi năm hàng chục ha đất quý giá.

Những dự án đã triển khai như Golden Sand, Victoria đều phải áp dụng biện pháp xây bờ kè chắn sóng, giữ đất. Nhưng các dự án treo trên dải bờ biển dài 2km thì như vô chủ và ngày càng giống miếng da lừa, teo tóp trước những toan tính và sự vô trách nhiệm.

Từ cho không đến đấu giá đất dự án

Tỉnh Quảng Nam đã khá vất vả để tìm đúng nhà đầu tư. Sau khi trích từ ngân sách gần nghìn tỷ đồng để xây dựng con đường ven biển Điện Bàn - Hội An, lúc đầu 87 dự án đã được giao miễn phí cho nhà đầu tư, chờ dự án triển khai thì thu tiền cho thuê đất. Sau nhiều năm để đất bị treo oan uổng, không thu được tiền cho ngân sách, cuối năm 2007, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 47 dự án.

Các chủ đầu tư muốn được giao dự án phải ký quỹ 150 triệu đồng/ha, nếu không triển khai đúng thời hạn sẽ bị thu hồi dự án và mất luôn tiền ký quỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người có kinh nghiệm về đầu tư bất động sản, điều kiện như vậy vẫn “hời” khi giá cho thuê đất rẻ với nhiều ưu đãi và dự án gần như được biếu không trong bối cảnh nhiều “đối tác tốt” đến chậm đã bị các “cò dự án” chiếm đất phải về không.

Thực trạng chưa đến 10% số dự án được triển khai thật sự đã buộc tỉnh Quảng Nam phải quyết định thay đổi tư duy một lần nữa. Từ chỗ chạy theo các con số đăng ký vốn đầu tư, cuối năm 2007, Hội An được phép đấu giá thí điểm một dự án rộng 3,3ha đầu tiên trong khu vực Cửa Đại, thu được 92 tỷ đồng.

Mất thêm một năm suy nghĩ, đến ngày 3/10/2008, UBND tỉnh Quảng Nam chính thức có quyết định thu hồi 6 dự án: Công ty TNHH Dinh Street; Công ty Cổ phần Mỹ Việt, Công ty cổ phần Sài Thành - sân gôn, Công ty TNHH Pegasus Fund 1, Công ty TNHH Quê Việt, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hải Long (từ khi được cấp phép đầu tư đã không thực hiện thủ tục đầu tư đúng cam kết) và giao Tổ tư vấn các dự án đầu tư du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An kiểm tra, rà soát các thủ tục, hồ sơ pháp lý trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất để giao cho địa phương tổ chức bán đấu giá.

Hy vọng với quyết định này, dải đất ven biển Hội An, Điện Bàn chính thức thoát khỏi cảnh cò ăn dự án và biển nuốt chửng dự án treo như đang xảy ra từng ngày trong mùa mưa lũ này. Chủ dự án mới sau khi đầu tư tiền đất một lần theo giá thị trường, vì “của đau con xót” sẽ phải có những biện pháp giữ đất hữu hiệu. Dự án nào chưa đấu giá được, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ phải chi kinh phí để xây kè giữ đất chứ không thể bỏ thí cho nhà đầu tư như trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lối ra nào cho dự án treo ở biển Cửa Đại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO