Không thể phủ nhận sự tiện lợi của những căn hộ thông minh (smarthome), tuy nhiên các chuyên gia tại Hội thảo Phát triển bất động sản Việt Nam - Tầm nhìn và triển vọng do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây cho rằng, khách Việt Nam vẫn có tâm lý e ngại về mô hình căn hộ này, trong đó lo ngại hàng đầu là vấn đề bảo mật.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam chia sẻ, dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho nhiều bất động sản ở nước ngoài và ở Việt Nam, ông nhận thấy tại Việt Nam khái niệm về đô thị thông minh là khá phổ biến.
Xét về yếu tố tiềm năng của giải pháp thông minh ứng dụng trong bất động sản, ông Kiệt cho rằng, với đặc điểm dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet hiện nay là 60% dân số, nên nhu cầu tiếp cận công nghệ và học hỏi cái mới rất cao, nhu cầu về chủng loại sản phẩm thông minh trong 5 - 10 năm tới là rất lớn.
Hiện, một số chủ đầu tư đã ứng dụng rất tốt yếu tố công nghệ để xây dựng tòa nhà thông minh, chẳng hạn như bãi đỗ xe thông minh. Theo đó, thay vì phải hỏi, phải dừng lại tìm chỗ đỗ xe thì ngay khi xuống hầm, người dân sẽ được thông tin về số lượng chỗ trống, vị trí những nơi có thể đỗ xe. Còn ứng dụng trong căn hộ cụ thể thì nhiều chủ đầu tư đã làm.
Ở góc độ khác, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam không phủ nhận những thuận lợi của mô hình này và khẳng định tiềm năng phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng bán hàng trực tiếp cho người dùng, ông Lâm chỉ rõ, khách hàng vẫn có nhiều lo lắng. Thứ nhất là bảo mật thông tin. Phần lớn người dân hiện nay sử dụng smartphone nên vấn đề bảo mật là rất đáng lo ngại, nhất là wifi sẽ khiến mức độ bảo mật bị đe dọa.
Lo ngại thứ hai là sự thích nghi của khách hàng và nhu cầu sử dụng. Theo đó, xu hướng trước đây là sử dụng khóa và chìa để mở cửa nhưng sau đó xuất hiện thẻ từ và hiện nay là vân tay. Trong khi đó, để xây dựng một khu căn hộ thường mất vai ba năm. Nếu chủ đầu tư xác định sẽ đầu tư thẻ từ cho khu nhà nhưng sau khi dự án hoàn thiện thì xu hướng thị trường đã chuyển sang sử dụng vân tay và giọng nói, căn hộ sẽ trở nên lỗi thời.
Mặt khác, đầu tư cho các thiết bị thông minh thì phải tăng giá bán, cũng là điều đáng lo, ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Thêm nữa, hiện chưa có một mô hình cụ thể về smarthome, chủ yếu vẫn do chủ đầu tư tự tìm hiểu để cạnh tranh, nên người tiêu dùng rất khó đánh giá.
Lo ngại thứ ba là sự tương tác giữa người và căn hộ, cũng tức là người thụ hưởng sự thông minh. Ngoài những người am hiểu về công nghệ, không phải ai cũng biết để sử dụng thành thạo các chức năng thông minh trong căn hộ của mình.