Lao động nông thôn ở đâu trong Cách mạng 4.0?

TUYẾT ÂN| 06/12/2017 07:05

Bằng cách nào để người dân nghèo, người dân ở nông thôn được hưởng lợi từ công nghệ, có thể hội nhập mà không bị bỏ lại phía sau?

Lao động nông thôn ở đâu trong Cách mạng 4.0?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhảy vọt nhưng đồng thời là thách thức lớn đối với các nhà làm chính sách. Bằng cách nào để người dân nghèo, người dân ở nông thôn được hưởng lợi từ công nghệ, có thể hội nhập mà không bị bỏ lại phía sau? 

Đọc E_paper

Tại cuộc tọa đàm Cuộc sống thông minh trong kỷ nguyên 4.0 tuần rồi, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ, đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ kết nối đến từng cá nhân, kết nối doanh nghiệp (DN) với DN, DN với nhà nước, hình thành chuỗi giá trị đặc trưng. Trí thông minh nhân tạo giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, gia tăng mức độ chăm sóc con người đồng thời làm thay đổi phương thức điều hành của nhà nước và DN với người dân.

Thách thức rất lớn của phát triển công nghệ là những công việc truyền thống sẽ bị thay thế trong 10 - 15 năm tới khiến những người thiếu kỹ năng lao động sẽ không theo kịp tốc độ thay đổi. Việc kết nối là để hợp tác, tương trợ và thúc đẩy xã hội chứ không phải xóa bỏ các giá trị cũ, vậy làm gì để tiếp cận đến đông đảo giới bình dân, người dân nông thôn vốn có cơ hội thấp hơn là thách thức lớn của nhà làm chính sách và của cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thừa nhận sẽ có những thách thức trong việc bảo vệ những người chậm chân trong công nghệ và là sự mâu thuẫn trong phát triển công nghệ. Ông Kiên phân tích: Vài năm nữa ra đường hầu hết người dân dùng smartphone, kết nối sẽ gia tăng nhưng làm gì để chính sách sử dụng công nghệ không trở thành rào cản?

"Chúng ta phải hướng dẫn lại cách gội đầu bằng Unilever khác bồ kết thế nào, thì việc ứng dụng công nghệ mới cũng vậy, khi người dân thành phố tiếp cận dễ dàng với công nghệ thì ở nông thôn nhiều phụ huynh chỉ đủ 5.000 đồng trong tài khoản để duy trì việc nhận cuộc gọi của con cái từ thành phố”.

Theo ông Kiên, bên cạnh việc thúc đẩy công nghệ phát triển thì phải làm tốt những thứ đang có, rất khó để ngay một lúc xóa bỏ hoàn toàn cái cũ.

Về lực cản thị trường: muốn thay đổi thì quy mô về số lượng phải đủ mới làm thay đổi về chất, chính sách không chỉ bảo vệ người dùng mà còn bảo vệ doanh nghiệp đủ sức duy trì sức bền. "Hạ tầng đã có, đầu tư đã đủ thì mới thay đổi phương thức, nếu không khó có thể chuyển đổi khi số đông người dùng không chuyển đổi được. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường thu phải bù chi thì doanh nghiệp mới đủ sức tồn tại và đầu tư dài hạn".

Ông Kiên ví dụ, từ ba năm trước Việt Nam bắt đầu cho thí điểm hình thức đặt xe công nghệ nhưng đến nay có hai nhóm phản ứng chính: người dùng thấy tiện lợi nhưng taxi truyền thống lại thấy bị cạnh tranh. Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước đưa ra chính sách tạo sân chơi bình đẳng giữa các bên.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Điều hành MoMo, chia sẻ: MoMo có 10 năm tham gia thiết kế hệ sinh thái không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhưng gặp rào cản lớn khi người tiêu dùng quen với chi tiêu tiền mặt và lo ngại thanh toán điện tử thiếu an toàn. Ông Tường nhớ lại khi khởi đầu khó khăn với chỉ vài đối tác đồng hành, nhiều doanh nghiệp nhìn MoMo với sự nghi ngại và phòng thủ, nhưng chỉ trong vòng một năm trở lại đây đã kết nối được với hàng trăm đối tác bởi họ đã nhìn nhận sự kết nối đem lại dịch vụ tốt hơn.

"Trong 7 năm đầu chúng tôi cảm giác đơn độc nhưng ba năm gần đây quá trình diễn ra thuận lợi hơn. Thị trường chỉ thay đổi khi tư duy thay đổi làm thay đổi tốc độ, điều này đòi hỏi phải đến từ nhiều bên. Tôi tin rằng trong vài năm tới, thanh toán điện tử sẽ thành hiện thực, người dân nông thôn cũng sẽ được tiếp cận với các nguồn tài chính thuận lợi hơn".

Theo TS. Kiên, trong nền kinh tế công nghệ, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, sản phẩm là không giới hạn bởi các công ty lớn hay công ty nhỏ quan trọng là có cùng ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng để đem lại lợi ích cho người dùng. Thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam là vấn đề lớn, được các nhà làm chính sách rất quan tâm bởi đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời làm lành mạnh nền kinh tế, giúp đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Hơn nữa, còn tạo ra dòng tiền liên tục và mang lại sự vận hành tốt hơn cho các doanh nghiệp. Kỳ vọng thời gian tới việc chi trả không tiền mặt có thể đi vào đời sống một cách phổ biến. Nhưng ông Kiên cũng cho rằng: "Kỳ vọng này cũng đặt ra thách thức về sự an toàn, phải tăng cường về kỹ thuật, công nghệ và truyền thông cho người dùng để bảo vệ tài khoản, tạo ra sự an toàn và niềm tin cho chính họ và cho toàn hệ thống kết nối".

"Vấn đề là chúng ta cần các chương trình hành động từng bước nhưng đồng bộ: phải chấp nhận và ủng hộ cái mới, ủng hộ các sáng kiến; cùng với việc phủ rộng công nghệ là hoạt động truyền thông và hướng dẫn người dân tiếp cận, để họ không bị loại bỏ bên lề hội nhập" - theo TS. Doanh.

>>Phát triển bền vững: Phải thích ứng nhanh với cuộc cách mạng 4.0

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lao động nông thôn ở đâu trong Cách mạng 4.0?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO