Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn vay tín chấp?

Hồng Nga 14/06/2024 - 15:13

Tại hội nghị, “Đối thoại giữa DN và chính quyền thành phố” ngày 14/6, hàng loạt phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN TP.HCM đã được nêu ra.

Khó tiếp cận vốn vay

ngan-hang.jpeg

Là lực lượng góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách… nhưng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa lại rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn vay tín chấp.

Hiện cả nước có khoảng 920.000 DN, trong đó các DN nhỏ vừa chiếm đến 98%. Các DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản đảm bảo hoặc có tài sản đảm bảo nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản đảm bảo thấp, chỉ 50-60%.

Còn với vay tín chấp, DN nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vì dự án của DN có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy, DN chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm…

Cụ thể, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến hoạt động ngành ngân hàng như rút ngắn thời gian xét duyệt khoản cho vay, tăng hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo, giảm bớt thủ tục, hồ sơ vay vốn cho vay tín chấp…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty chế biến thuỷ sản Khánh Trang (Q.Tân Bình) cho biết, hiện đã có hàng ngàn DN rút khỏi thị trường, tạm ngừng kinh doanh do không bán được hàng, cạn kiệt nguồn tiền, không có tài sản thế chấp dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.

“Trong bối khó khăn như hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) có những hình thức nào để hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp”, ông Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng thừa nhận, một số DN nhỏ và vừa khó khăn trong sổ sách, chứng từ để chứng minh cho ngân hàng, do đó ngân hàng khó cho vay tín chấp với những DN này.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, cho vay tín chấp và có tài sản đảm bảo chỉ là phương thức cho vay của ngân hàng, ngân hàng xem xét, thẩm định để lựa chọn phương thức cho vay phù hợp.

hoi-nghi-2.jpg

Các NHTM cho vay cũng phải đảm bảo đúng quy định về điều kiện tín dụng cũng như các quy định khác để đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đây là quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của Tổ chức tín dụng, đã được quy định tại Điều 7 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 và cũng như Điều 7 Luật tổ chức tín dụng đã được ban hành ngày 18/1/2024.

Do đó, không có quy định NHTM không được cho vay tín chấp DN, cũng không có quy định cụ thể làm thế nào để được ngân hàng cho vay tín chấp. Việc cho vay tín chấp tiềm ẩn rủi ro nếu khoản vay mà khách hàng không trả được nợ thì NHTM bị mất vốn.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, mỗi NHTM sẽ có đánh giá cụ thể về vấn đề này. Đó là yếu tố “niềm tin” của ngân hàng đối với khách hàng thông qua việc khách hàng có phải là khách hàng truyền thống của ngân hàng hay không. Điểm chấm điểm đánh giá khách hàng của ngân hàng như thế nào. Dòng tiền thu - chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng hay không…

Vì vậy, nếu DN đã quan hệ tốt với NHTM nào rồi thì nên thông qua sự tư vấn của chính NHTM đó để được xem xét việc cho vay tín chấp. Tỷ lệ cho vay như thế nào phụ thuộc vào việc khách hàng đáp ứng được các điều kiện cho vay tín chấp mà ngân hàng đưa ra.

DN TP. HCM phản ánh, kiến nghị về những khó khăn khi tiếp cận vốn có thể gọi số điện thoại: (028) 38211230.

“Đây chỉ là một trong các điều kiện vì còn rất nhiều yếu tố khác trong quá trình đánh giá khách hàng để cho vay của ngân hàng như hiệu quả dự án, tình hình tài chính, khả năng trả nợ…”, ông Lệnh nói thêm

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, để tiếp tục hỗ trợ DN vượt khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo nâng cao khả năng tiếp cận vốn tài chính toàn diện.

Ngành ngân hàng TP.HCM đang tổng hợp danh sách các DN khó khăn để tìm biện pháp hỗ trợ. Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã xử lý hơn 1.000 trường hợp DN khó khăn về tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng chỉ đạo các NHTM xử lý từng trường hợp cụ thể.

lenh.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM công bố đường dây nóng tiếp nhận khó khăn tiếp cận vốn vay của DN

“Chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng tiếp cận từng khách hàng, cho vay được thì cho vay, chưa rõ thì giải thích nguyên nhân. Chúng tôi vẫn đang xử lý những đơn kiểu này. Với số điện thoại đường dây nóng, các DN cứ gửi về chúng tôi sẽ xử lý", Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.

Riêng với các DN bất động sản, ông Lệnh đề nghị nên gặp 3 bên với Ngân hàng Nhà nước. DN phải định lượng được cụ thể các vấn đề khó khăn để Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ giải quyết.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN trên địa bàn về những khó khăn khi tiếp cận vốn. DN TP.HCM gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, có thể gọi số điện thoại: (028) 38211230.

Từ ngày 24/5 - 13/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tiếp nhận 215 ý kiến khảo sát của DN liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Trong đó có 156 DN đã được ngân hàng hỗ trợ không có vướng mắc, 40 DN không vay vốn ngân hàng, 14 DN đã được ngân hàng hỗ trợ, 5 DN không được ngân hàng hỗ trợ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn vay tín chấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO