Những năm 1980-1990, sách giáo khoa là thứ tài sản chung của những học sinh là anh chị em trong một nhà. Nhà tôi có đặc biệt hơn các nhà khác một chút vì thuộc vào loại “tam đại đồng đường” (ba thế hệ chung một nhà). Tôi có người em gái họ hơn tôi một tuổi nên sách giáo khoa em ấy học xong là để lại cho tôi. Bản thân người em gái họ ấy cũng được nhận lại sách giáo khoa từ người anh họ hơn một tuổi. Tính ra, tôi được hưởng lợi nhiều nhất vì ba mẹ tôi đỡ phải bỏ tiền ra mua sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi sách giáo khoa đến tay tôi thì bìa sách cũng đã cũ. Vậy là ba tôi liền bọc bìa sách lại bằng những tờ giấy báo.
Tôi đọc được những bài báo đầu tiên trong đời mình chính là từ kỷ niệm ấy. Khi đã biết đọc võ vẽ, tôi thường có thói quen đọc những bài báo được in trên tờ báo bọc bìa sách giáo khoa. Lúc đó, nhà tôi chưa có radio, chưa có tivi nên tôi “đói thông tin” lắm! Chỉ là một cậu học sinh tiểu học nhưng không hiểu sao tôi lại rất thích đọc báo. Tôi còn nhớ khi họp tổ dân phố, nhiều đại diện hộ gia đình đã đứng dậy có ý kiến chính quyền nên lắp đặt thêm loa phường để bà con được nghe các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền thanh thành phố Huế.
“Đói ăn, khát uống”. Tôi nhớ khi anh hàng xóm mua báo về đọc, tôi lại lân la xin đọc “ké”. Nhưng khoảng hai ba lần, người ta cảm thấy khó chịu và từ chối cho mượn.
Khi lên học cấp hai và cấp ba, tôi đi làm thêm để phụ giúp ba mẹ, nhưng sở thích đọc báo giấy vẫn không giảm. Bởi vậy, tôi thường đến chợ Đông Ba gần nhà để mua những tờ báo cũ để đọc. Những tờ báo đó mấy mệ, mấy o tiểu thương dùng làm giấy gói đồ nên bán cũng rẻ để đọc những thông tin “cũ người mới ta”.
Thời sinh viên, tôi ít đọc báo giấy hơn vì dành thời gian vào thư viện đọc sách, một phần lúc đó báo online bắt đầu xuất hiện và dần dần nhà có tivi, có radio. Tuy nhiên, trong tâm thức, tôi thầm cám ơn những tờ báo giấy và cả những tờ báo online mà tôi từng đọc.
Lịch sử báo chí đã có cách đây hàng trăm năm. Có thể nhận ra rằng, thời con người chưa có radio, chưa có tivi và chưa có báo online thì nhu cầu đọc báo giấy là ưu tiên số một trong việc tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, trước sự thay đổi về công nghệ như hiện nay và tài nguyên gỗ (để làm giấy) ngày càng ít đi thì việc các báo chuyển dần từ báo giấy sang báo online là một xu thế bắt buộc.
Xu thế hiện nay là nhiều cuốn sách không tái bản nữa vì đã có bản online trên mạng. “Sách báo” đi liền nhau nên báo chí cũng có sự tương tự. Nhiều tờ báo hiện nay cũng có thêm nhiều chuyên mục trên báo online dựa trên nền tảng YouTube, mạng xã hội… lôi cuốn bạn đọc mà báo giấy không thể có.
Trên thế giới, báo giấy đang trên đà lao dốc. Nhiều tờ báo lớn của Mỹ tồn tại hàng trăm năm vẫn phải đứng trước sức ép đóng cửa hay cắt giảm nhân viên khi doanh thu bán báo và quảng cáo sụt giảm mạnh. Lịch sử cho thấy, sự xuất hiện của truyền hình vào những năm 1950 cũng từng làm suy giảm của các tờ báo in. Nhưng sự bùng nổ của Internet trong những năm 1990 đã tăng phạm vi lựa chọn phương tiện truyền thông có sẵn cho người đọc.
Nên tôi nghĩ, những báo giấy, nếu một ngày nào đó chỉ được nhìn thấy trong các viện bảo tàng thì điều đó cũng không đến nỗi đáng buồn!