Doanh nghiệp sốt vó tìm lao động cao cấp

23/09/2011 08:58

Sáng 22/9, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Tri Thức Quốc Tế đã tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - nhu cầu cấp bách” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sốt vó tìm lao động cao cấp

Sáng 22/9, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Tri Thức Quốc Tế đã tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - nhu cầu cấp bách” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp.

>> Cảnh báo khủng hoảng nhân lực nếu cơ cấu kinh tế không đổi
>> Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực 2011
>> Nhu cầu nhân lực một số ngành giảm đến 60%
>> Gỡ khó cho DN về "vốn - chính sách - nhân lực"

Đào tạo “lệch pha”

Lao động cao cấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn đang thiếu hụt - Ảnh minh họa: THANH ĐẠM

Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vô cùng quan trọng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để đảm bảo tăng trưởng dựa vào chất lượng và phát triển bền vững, Việt Nam cần có một nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh và linh hoạt, đáp ứng được mọi yêu cầu mà thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế đặt ra.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần IX nhiệm kỳ 2010 -2015 cũng đã đề ra mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhanh chóng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho chín ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.

Theo ông Đặng Đức Thành - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam là nước có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, mức bình quân thu nhập tính trên đầu người mới đạt xấp xỉ 1.000 USD/người/năm và đây cũng chính là cái bẫy đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển đạt mức trung bình.

Để phát triển kinh tế, Việt Nam cần “đi tắt đón đầu”, trong đó khâu đột phá đầu tiên chính là tiến hành mạnh mẽ và quyết liệt công cuộc cải cách giáo dục, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức với phương thức thực hiện trọng tâm là đầu tư cho phát triển con người Việt Nam.

Ông Thành cho biết thêm một thực trạng hiện nay là nhân lực đào tạo các bậc hằng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo…

Theo ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, nguyên nhân là do việc hoạch định chính sách đầu tư của Nhà nước còn chậm chuyển đổi, chủ yếu vẫn dựa vào các ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo và sử dụng lao động bị “lệch pha”, giữa các trung tâm đào tạo nhân lực và nơi sử dụng nhân lực chưa có sự tương thích hoàn toàn. Độ chênh giữa nhà trường và doanh nghiệp còn khá lớn, đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược, kế hoạch dài hạn về nhu cầu nhân lực của mình, chưa thật sự chủ động tham gia, góp sức vào quá trình đào tạo nhân lực.

Doanh nghiệp “tự bơi”

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan -Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hiện nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bất động sản đang ngày càng gia tăng, tuy nhiên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Sinh viên ra trường chưa thích nghi cao và ít sáng tạo với công việc, còn nhiều sinh viên làm việc trái ngành. Hơn ai hết, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao; kết hợp đặt hàng nguồn nhân lực từ các trường đại học; doanh nghiệp phải bàn bạc, góp ý để phát triển mạnh kỹ năng thực hành cho sinh viên nhằm đáp ứng sát nhu cầu thực tế.

Một nghịch lý đang tồn tại hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Xê - Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, là việc các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin… phải trả chi phí tiền lương cho lao động nước ngoài cao gấp 10 lần lương một lao động Việt Nam cùng làm một công việc. Theo ông Xê, nghịch lý này ngày một tăng cao nếu hệ thống giáo dục và dạy nghề của Việt Nam chưa đưa ra được những giải pháp tích cực, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải có chiến lược về nhân sự có chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực dài hạn; TP.HCM cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, tập trung các nguồn lực để phát triển đúng hướng, có chính sách ưu đãi đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; về phía Bộ Giáo dục - đào tạo phải đổi mới chương trình giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, tăng thời lượng đào tạo kỹ năng thực hành trong quá trình đào tạo học viên, và nhất là phải giảm bớt thời lượng học các môn học đại cương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp sốt vó tìm lao động cao cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO