TTCK thế giới: Dòng vốn tháo chạy

Gia Lê| 14/07/2022 06:00

Việc dòng tiền đang rút khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi đã chứng thực cho nỗi lo của các nhà đầu tư về hiệu ứng Taper Tantrum.

Các thị trường mới nổi là nạn nhân

Theo số liệu thống kê, riêng trong tháng 6 vừa qua, dòng vốn rót ròng vào cổ phiếu chỉ 6 tỷ USD,  giảm 27,8% so với tháng trước, ngược lại dòng vốn vào các quỹ trái phiếu rút ròng tới 63,6 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây.

Nếu như trong quý I/2020, khi Covid-19 xảy ra, dòng vốn tuy có rút ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu nhưng lại chuyển dịch vào quỹ tiền tệ để sẵn sàng cho các đợt giải ngân bắt đáy thị trường khi đó, thì trong quý II vừa qua, dòng vốn rút ròng ở tất cả tài sản tài chính, từ cổ phiếu là 8 tỷ USD, các quỹ trái phiếu 130,5 tỷ USD và quỹ tiền tệ là 58,1 tỷ USD. 

Xét theo thị trường, dòng vốn vào các thị trường phát triển vào ròng thấp nhất kể từ tháng 7/2019, khi tháng 6 vừa qua chỉ bơm ròng 4,6 tỷ USD, giảm tới 67% so với tháng trước và 92% so với cùng kỳ năm 2021. Đóng góp chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (+9,5 tỷ USD), trong khi đó dòng tiền rút ròng ở khu vực Tây Âu (-9,7 tỷ USD). Tính chung 6 tháng đầu năm, dòng vốn phân bổ vào các thị trường phát triển chỉ đạt 134 tỷ USD, giảm tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng vốn rút ròng khỏi 7 thị trường mới nổi châu Á cao hơn cả ba giai đoạn bán tháo trước đó vào các năm 2008, 2013 và 2018

Dòng vốn rút ròng khỏi 7 thị trường mới nổi châu Á cao hơn cả ba giai đoạn bán tháo trước đó vào các năm 2008, 2013 và 2018

Đối với các thị trường mới nổi, dòng vốn cổ phiếu đảo chiều, từ hút ròng sang bơm ròng, chủ yếu nhờ dòng tiền vào thị trường Trung Quốc, trong khi dòng vốn vào các thị trường khác yếu đi rõ nét. Nếu không tính thị trường Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 40 tỷ USD ra khỏi 7 thị trường mới nổi trong khu vực châu Á trong quý II/2022. 

Cụ thể hơn, khối ngoại đã rút ròng tổng cộng 40 tỷ USD khỏi các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan. Riêng thị trường cổ phiếu Đài Loan bị rút ròng đến 17 tỷ USD, cao hơn giai đoạn thị trường bị bán tháo trước đây là giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, giai đoạn Taper Tantrum 2013 và giai đoạn nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2018. Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng 15 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ, 9,6 tỷ USD cổ phiếu Hàn Quốc, vượt xa các giai đoạn khủng hoảng thị trường trước đó.

Nỗi sợ Taper Tantrum?

Taper Tantrum là cụm từ mà các quan chức FED và giới đầu tư sử dụng để miêu tả kế hoạch "rút chân ga" khỏi "cỗ máy kích thích kinh tế” bằng cách giảm lượng trái phiếu mà FED mua vào từ từ trong quãng thời gian dài. Họ hy vọng làm như vậy thì nền kinh tế sẽ dần "cai" được các biện pháp kinh tế mà không rơi vào tình trạng "hạ cánh cứng". 

Trong hai năm 2020 và 2021, để đối phó với đại dịch Covid-19, FED đã nới lỏng chính sách tiền tệ với việc giảm lãi suất cơ bản về mức thấp gần 0%, đồng thời mua mạnh trái phiếu. Tiền mặt tràn ngập đã đẩy giá cổ phiếu và giá nhà liên tục tăng trong khi lợi suất trái phiếu rớt xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, FED đã giảm mua trái phiếu, đồng thời từ đầu năm bắt đầu nâng lãi suất trở lại, khiến giới đầu tư lo ngại về hiệu ứng Taper Tantrum một lần nữa sẽ xảy ra.

Việc dòng tiền đang rút khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu khiến TTCK toàn cầu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi đã chứng thực cho nỗi lo của các nhà đầu tư về hiệu ứng Taper Tantrum. 

Trong khi đó, dù cổ phiếu ở các quốc gia phát triển ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm trong vòng 50 năm qua và dư địa cho việc giảm mạnh hơn nữa sẽ bị hạn chế, việc xác định được đáy thị trường chưa bao giờ là dễ dàng và do vậy dòng vốn vào các tài sản tài chính tiếp tục trạng thái chờ giải ngân cho đến khi có tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính.

Nhiều công ty quản lý quỹ đang rút khỏi các nước có lạm phát cao và những đợt nâng lãi suất làm xấu đi triển vọng tăng trưởng kinh tế. Nỗi lo suy thoái ở Mỹ khi FED tăng lãi suất quá nhanh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Âu và Trung Quốc càng thôi thúc nhà đầu tư bán ra. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng yên cũng gây tổn thương tới nền kinh tế và cổ phiếu ở Đài Loan và Hàn Quốc vì hai quốc gia này xuất khẩu sản phẩm tới Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK thế giới: Dòng vốn tháo chạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO