Thị trường tiền mã hóa trong cơn bĩ cực

Khả Hân| 26/11/2022 09:15

Nỗi lo sợ đang lan rộng trên thị trường tiền mã hóa. Làn sóng bán tháo khiến thị trường này "đỏ lửa", cổ phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều công ty sắp phá sản, trong vòng một năm, hơn 2.000 tỷ USD đã "bốc hơi"...

Thị trường tiền mã hóa trong cơn bĩ cực

Sự sụp đổ của FTX

Sự kiện sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu FTX (sàn giao dịch hàng đầu chuyên cung cấp các sản phẩm phái sinh liên quan tới tiền điện tử) đệ đơn phá sản lên Tòa án Liên bang Mỹ mới đây đã gây rúng động thị trường. Được đánh giá là "bluechip" trong ngành tiền thuật toán, nhưng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích, sàn này đã lâm vào khủng hoảng khi người dùng rút tiền ồ ạt, không còn tiền mặt, cạn kiệt thanh khoản và phải dừng giao dịch.

Trong hồ sơ phá sản, FTX cho biết đang nợ 3,1 tỷ USD từ 50 chủ nợ lớn nhất. Nhóm luật sư thừa nhận sàn giao dịch này hiện có khoảng một triệu chủ nợ. Đáng lưu ý là theo các tài liệu công bố, ít nhất 1 tỷ USD của khách hàng đã biến mất khỏi FTX.

Cụ thể, FTX đã chuyển khoảng 10 tỷ USD tiền của khách hàng sang Công ty Giao dịch Alameda - cũng là công ty riêng của người sáng lập FTX là Sam Bankman-Fried. Các bảng số liệu cho biết, số tiền mà FTX đã cho Alameda vay và số tiền đó được sử dụng vào việc gì, tuy nhiên các tài liệu cho thấy 1-2 tỷ USD trong đó không được tính vào tài sản của Alameda. Các bảng tính không thể hiện số tiền này đã được chuyển đi đâu và không biết nó đã trở thành cái gì.

Trong một cuộc kiểm tra sau đó, bộ phận pháp lý và tài chính của FTX biết được rằng, Bankman-Fried đã đi "cửa sau" trong hệ thống kế toán sổ sách của sàn, vốn được xây dựng bằng phần mềm đặt riêng. Các nguồn tin cho biết, "cửa sau" cho phép Bankman-Fried thực hiện các lệnh có thể thay đổi hồ sơ tài chính mà không phải cảnh báo cho người khác, bao gồm cả kiểm toán viên bên ngoài. Với sự sắp đặt này, việc chuyển khoản 10 tỷ USD cho Alameda không vi phạm quy tắc nội bộ hoặc gây ra báo động đỏ về kế toán tại FTX. 

Trước đó, thông tin FTX chuyển tiền của khách hàng sang Công ty Alameda là "rủi ro pháp lý” và thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo đồng tiền do sàn này phát hành. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) đều đang điều tra FTX. Cá nhân ông Bankman-Fried cũng đang bị SEC điều tra vì vi phạm quy định chứng khoán.

CEO Sam Bankman-Fried - người từng được xem là "người hùng tiền mã hóa" đã từ chức. Được biết, ở thời điểm "hoàng kim", Bankman-Fried sở hữu khối tài sản 26 tỷ USD. Nhưng đến ngày 9/11/2022 vừa qua đã giảm xuống còn 1 tỷ USD, sang cuối ngày 10/11/2022, tất cả tài sản đã "bốc hơi". Chỉ số tỷ phú của Bloomberg áp giá trị của chi nhánh FTX ở Mỹ chỉ 1 USD, giảm từ mức 8 tỷ USD sau đợt huy động vốn hồi tháng 1/2022. 

Nỗi lo lan rộng

Từ bê bối của FTX, nỗi lo sợ đang lan rộng trong ngành tiền mã hóa, khi rủi ro đạo đức là khó lường vì không biết các chủ sàn sử dụng trái phép tiền của nhà đầu tư vào đâu. Làn sóng bán tháo khiến thị trường này "đỏ lửa", cổ phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều công ty sắp phá sản. Trong vòng một năm, hơn 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nghi ngại xoay quanh "sức khỏe" của các công ty trong ngành công nghiệp tiền mã hóa, như Genesis và BlockFi. Tình trạng bán tháo cũng khiến một số công ty phải dừng giao dịch, thậm chí chuẩn bị hồ sơ phá sản.

Đơn cử như công ty môi giới tiền điện tử Genesis tạm ngừng cho vay và rút tiền mã hóa trong bối cảnh khủng hoảng thị trường tiền điện tử ngày càng lan rộng, đồng thời thừa nhận "nguy cơ phá sản" trong bối cảnh ảnh hưởng từ "cú rơi" của "đế chế” FTX lan rộng toàn ngành. Mọi sự chú ý không mong muốn cũng đang đổ dồn lên Barry Silbert - người đàn ông đứng sau Digital Currency Group (DCG) - tập đoàn sở hữu Genesis. Với việc Genesis tạm dừng giao dịch rút tiền, "sức khỏe" của DCG cũng bị đặt dấu hỏi. 

Genesis từng được đánh giá là "viên ngọc quý” của đế chế DCG. Tuy nhiên, rạn nứt bắt đầu lộ rõ sau khi Genesis vướng vào vụ phá sản của Quỹ Phòng hộ Three Arrows Capital khi không thể đáp ứng yêu cầu bổ sung ký quỹ. Genesis là chủ nợ lớn nhất bị mắc kẹt trong sự sụp đổ này. DCG đã tiếp nhận một số khoản nợ và nộp đơn yêu cầu bồi thường 1,2 tỷ USD từ Three Arrows - quỹ đầu tư vẫn đang trong quá trình thanh lý. Genesis cho biết, vào tháng 10/2022, thời điểm trước khi FTX sụp đổ, khoản vay đó đã giảm 80% trong quý III/2022. 

BlockFi - một trong những hãng cho vay tiền ảo lớn nhất thế giới, cũng thông báo ngừng cho người dùng rút tiền sau khủng hoảng của sàn FTX. FTX US - chi nhánh của FTX tại Mỹ - và BlockFi gắn kết chặt chẽ với nhau. Vào tháng 7/2022, FTX US đã cung cấp cho BlockFi hạn mức tín dụng quay vòng trị giá 400 triệu USD, đi kèm với tùy chọn mua công ty.

Trên mạng xã hội, BlockFi cho biết "sự thiếu rõ ràng" về tình hình hiện tại của sàn giao dịch FTX khiến họ quyết định tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền. Hãng cho vay tiền ảo này cũng yêu cầu khách hàng không gửi vào ví hoặc tài khoản lãi suất của họ. Công ty sẽ thông báo cụ thể hơn "trong thời gian sớm nhất có thể". Dù vậy, một số nguồn tin cho hay, BlockFi chuẩn bị thủ tục phá sản, chỉ vài ngày sau khi sàn tiền ảo FTX sụp đổ.

Với những rủi ro ngày càng gia tăng, dòng tiền rút ra khỏi các sàn giao dịch tiền mã hóa trên toàn cầu đã tăng đột biến, lên tới hàng trăm triệu USD mỗi ngày trong thời gian gần đây. Có thể thấy niềm tin vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đã bị thiêu rụi bởi bê bối của FTX cùng với sự "sát thương" của nhiều công ty khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường tiền mã hóa trong cơn bĩ cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO