Chia sẻ tại hội thảo "Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan - Việt Nam" ngày 23/11/2022, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Thương mại TP.HCM (ITPC), Ba Lan là thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu.
Trong số các nước Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam và là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Ngược lại, theo ông Piotr Harasimowicz - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM (PAIH), Việt Nam không chỉ nằm trong khu vực thị trường sôi động của châu Á mà còn là một quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển thương mại. Hiện, Việt Nam là đối tác tiêu thụ hàng nông sản và thực phẩm quan trọng của Ba Lan. Chỉ riêng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam đạt đến hơn 143 triệu Euro.
Rất đông các doanh nghiệp Ba Lan đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác mới |
Đáng nói, trong số các nước EU, Ba Lan là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Kim ngạch xuất, nhập khẩu 2 chiều trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của Covid-19 hai năm 2020-2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng. Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 252,9 triệu USD. Hiện, Ba Lan đang có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng gạo, nông sản, dầu ăn, thực phẩm hữu cơ, sản phẩm tốt cho sức khỏe từ Việt Nam.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Ba Lan, gồm hàng may mặc, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê hay giày dép các loại. Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.
Các doanh nghiệp mỹ phẩm Ba Lan đang kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để đưa mỹ phẩm vào thị trường hơn 100 triệu dân này |
Theo ông Nguyễn Tuấn, Ba Lan là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối EU và Ba Lan cũng là cửa ngõ vào các nước phương Tây và Đông Âu. Vì vậy, khi các doanh nghiệp đưa được hàng vào thị trường Ba Lan sẽ được tiếp cận với thị trường 500 triệu người của EU.
Trong khuôn khổ hội thảo, 10 doanh nghiệp ngành mỹ phẩm Ba Lan đã kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng tại thị trường Việt Nam. |