Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng

Khả Hân| 28/03/2022 06:00

Khi các nền kinh tế còn chưa kịp gượng dậy sau đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm qua, giờ lại phải tiếp tục hứng chịu những bất ổn địa - chính trị mà có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Thiếu hụt và giá tăng

Giá nguyên nhiên liệu tăng vọt ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đặc biệt là giá xăng dầu và khí đốt - nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón nitơ, đã buộc nhiều công ty sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất. Thêm vào đó, quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu là Nga đang bị trừng phạt toàn diện về kinh tế, hệ quả là việc thiếu phân bón khiến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu là không thể tránh khỏi, theo đó hàng triệu người có thể sẽ chết đói.

Thực phẩm thiếu hụt và giá cả leo thang sẽ khiến nhiều người không thể tiếp cận, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo. Thống kê cho thấy, chỉ hai tuần sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá hàng loạt mặt hàng nông sản chính trên thế giới đã tăng vọt, trong đó tăng mạnh nhất là lúa mì khi Nga và Ukraine cung ứng đến gần 30% sản lượng lúa mì trên toàn cầu. 

Thế giới lại đứng trước một cuộc khủng hoảng lương thực

Thế giới lại đứng trước một cuộc khủng hoảng lương thực

Nhiều mặt hàng từ ngô, đậu nành cho đến dầu thực vật đều tăng giá mạnh, nhất là ở châu Âu. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi các bộ trưởng nông nghiệp thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong tuyên bố chung ngày 11/3/2022 vừa qua đã phải khẳng định sẵn sàng làm mọi thứ có thể để tránh khủng hoảng lương thực.

Ngành lương thực đã là nạn nhân của tình trạng biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua và nguy cơ này cũng đã đẩy giá thực phẩm lên mức cao nhất 10 năm qua, trong khi hàng triệu người bị mất thu nhập do đại dịch khiến thị trường càng trở nên bất ổn. Báo cáo đầu tháng 3 của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuộc Liên Hiệp Quốc cho thấy, số người lâm vào cảnh suy dinh dưỡng trên toàn cầu đã tăng từ 27 triệu vào năm 2019 lên 44 triệu hiện nay.

Liên Hiệp Quốc mới đây cũng cảnh báo, giá lương thực toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục nhưng còn có thể tăng thêm 22% do mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine, sẽ kìm hãm hoạt động thương mại và giảm sản lượng. Chỉ số theo dõi giá lương thực của Liên Hiệp  Quốc cho thấy đã tăng hơn 40% trong hai năm qua.

Khủng hoảng lương thực ngày càng lan rộng

Với cước phí vận chuyển tăng cao, lạm phát giá năng lượng, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động đã khiến việc sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn. Theo Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC), nguồn cung ngũ cốc đã sụt giảm 5 năm liên tiếp. Các cuộc xung đột địa - chính trị và những lệnh cấm vận khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiều doanh nghiệp chẳng muốn sản xuất, vận chuyển hay thậm chí là giao dịch tại những nền kinh tế có liên quan.

Cụ thể, các tàu chở ngũ cốc dường như đang chuyển hướng khỏi Biển Azov - tuyến đường thủy nằm giữa Nga và Ukraine, nối với Biển Đen. Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến nguồn cung lúa mì và dầu thực vật của thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn vì tàu biển không thể di chuyển. Trong khi đó, Biển Đen lại là thị trường xuất khẩu các loại phân bón lớn.

Theo Tổng thống Ukraine Zelensky, trong khi chiến sự vẫn diễn ra chủ yếu ở Ukraine, hậu quả của nó sẽ không dừng lại ở biên giới nước này.

"Điều khủng khiếp nhất là nạn đói đang đến gần đối với một số quốc gia. Ukraine luôn là một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể gieo hạt dưới làn đạn pháo của quân Nga?", Tổng thống Zelensky lập luận trước các nhà lập pháp Ý.

Ukraine từ lâu đã được mệnh danh là "ổ bánh mì của châu Âu" khi sản xuất và cung cấp nhiều loại lúa mì cho châu Âu. Các nước như Lebanon, Ai Cập, Yemen cũng phụ thuộc vào lúa mì Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, khi chiến sự bùng nổ, giá lúa mì đã tăng vọt gây khó khăn cho người mua. Bên trong Ukraine, giao tranh cắt đứt các tuyến đường vận tải khiến việc trồng trọt, vận chuyển khó gấp bội.

Để đối phó với nguy cơ khủng hoảng, nhiều quốc gia đã thắt chặt xuất khẩu lương thực nhằm gia tăng nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu trong nước. Hungary, Indonesia và Argentina là các quốc gia đã áp đặt rào cản thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu, từ lúa mì đến dầu ăn nhằm nỗ lực hạ giá và bảo vệ nguồn cung trong nước khi tình hình chiến sự leo thang. 

Các quốc gia Đông Âu khác như Bulgaria hay Romania cũng thông báo tăng dự trữ ngũ cốc và có thể hạn chế xuất khẩu, trong khi Ai Cập đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu ăn, ngô và lúa mì trong ba tháng. Nga cũng đã có kế hoạch hạn chế giao thương một số loại nguyên liệu thô, trong khi MHP SE - hãng xuất khẩu lương thực lớn của Ukraine, đã hạn chế xuất khẩu để cung cấp lương thực cho quân đội và người dân ở vùng chiến sự.

Mối lo ngại về nguồn cung lương thực cũng gia tăng ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang mua ngô và đậu tương của Mỹ để đảm bảo nguồn cung, khi Bắc Kinh tăng cường vấn đề an ninh lương thực. Tại Ấn Độ, đà tăng giá bùng nổ của dầu thực vật đang khiến người mua choáng váng và "quay lưng" với loại nguyên liệu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO