Mỹ thành ổ dịch 'chết chóc' nhất thế giới, Trump đứng trước quyết định lớn nhất cuộc đời

Bảo Quân| 12/04/2020 05:00

Tôi sẽ phải đưa ra quyết định, và tôi chỉ có thể cầu Chúa rằng đó sẽ là quyết định đúng đắn", Tổng thống Trump cho biết, khi nói về việc sẽ mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả.

Vùng dịch chết chóc nhất thế giới

Đến rạng sáng 12/4/2020 (giờ Việt Nam), số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã vượt ngưỡng 20.000, đưa quốc gia này trở thành nơi có số người chết do nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới. Đồng thời, Mỹ cũng là nước đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày lên tới hơn 2.000 trường hợp. 

Cách đây vài ngày, vùng dịch chết chóc nhất thế giới vẫn là Ý, với tỷ lệ tử vong vì Covid-19 khoảng gần 13%. Hiện, quốc gia châu Âu này ghi nhận hơn 152.000 ca mắc bệnh, với 19.468 trường hợp tử vong. 

Là 'điểm nóng' của Covid-19 tại Mỹ, bang New York hôm qua có hơn 780 trường hợp tử vong; song theo Thống đốc Andrew Cuomo, đây không phải là số người chết cao nhất mà bang này ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát. 

"Các bạn có thể thấy con số đang ổn định, nhưng là ổn định ở một tỷ lệ khủng khiếp. Đó chỉ là con số phản ánh sự mất mát và đau thương mà chẳng một người nào có thể tin nổi", ông Cuomo nói.

Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Mỹ có thể lên đến 200.000 người vào hè này, nếu các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách cộng đồng được gỡ bỏ sau 1 tháng.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo trong cuộc họp báo sáng 11/4. Ảnh: CNN

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo trong cuộc họp báo sáng 11/4. Ảnh: CNN

'Quyết định lớn nhất cuộc đời' của Trump

Trước vô số khó khăn chồng chất, từ số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 mỗi lúc một tăng, cho đến làn sóng thất nghiệp của gần 17 triệu người dân Mỹ trong 3 tuần qua, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đang phải đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.

Vốn là một doanh nhân, nhà sản xuất chương trình truyền hình trước khi hoạt động chính trị, ông Trump đang chưa biết nên nghe theo lời khuyên từ các chuyên gia y tế hay giới kinh doanh về việc "khi nào sẽ mở cửa lại nền kinh tế". Theo tờ New York Times, mỗi ngày, các cuộc điện thoại từ những đối tác làm ăn cũ vẫn đổ dồn tới Tổng thống Mỹ. Thêm vào đó, ngay cả các cố vấn kinh tế lẫn những người khác trong Nhà Trắng cũng nói với Trump rằng, các biện pháp y tế đã có kết quả và đã sắp đến lúc có thể "nới lỏng" lệnh phong toả để đưa nền kinh tế trở lại. 

Với việc chính sách liên bang về cách ly xã hội sẽ hết hạn vào 30/4, nhiều người người kỳ vọng Tổng thống Mỹ sẽ mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5/2020, chí ít là tại một số khu vực. Thế nhưng, trước những cảnh báo quyết liệt từ phía các cố vấn y tế lẫn vô số thông tin tiêu cực về số người nhiễm bệnh lẫn số ca tử vong đổ về mỗi ngày, sẽ không dễ để vị tổng thống đương nhiệm đưa ra quyết định. Và, hai viễn cảnh mà Trump buộc phải đối mặt sẽ là hàng chục nghìn người dân Mỹ có thể tử vong, hay để hàng triệu việc làm mất đi.

"Tôi sẽ phải đưa ra quyết định, và tôi chỉ có thể cầu Chúa rằng đó sẽ là quyết định đúng đắn. Thế nhưng, tôi có thể nói mà không nghi ngờ gì rằng, đây là quyết định lớn nhất trong cuộc đời của tôi", Tổng thống Trump nói hôm 10/4 trong một cuộc họp báo hằng ngày về công tác phòng, chống Covid-19.

Trước đó, ông Trump cho biết sẽ thành lập một nhóm chuyên trách mới về việc mở cửa lại đất nước và nền kinh tế. Được biết, nhóm này sẽ bao gồm "các bác sĩ và doanh nhân vô cùng tuyệt vời", và thậm chí là cả các thống đốc bang. 

"Tôi sẽ phải đưa ra quyết định, và tôi chỉ có thể cầu Chúa rằng đó sẽ là quyết định đúng đắn", Tổng thống Trump cho biết, khi nói về việc sẽ mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông muốn các chính trị gia đại diện cho cả Đảng Dân chủ và Cộng hoà cùng tham gia nhóm chuyên trách mới - một nỗ lực được cho là để tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi trước một quyết định hệ trọng về mặt chính trị.

"Chúng tôi đang xác định thời điểm và hy vọng có thể đưa ra một ngày cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì cho đến khi chắc rằng đất nước sẽ khỏe mạnh. Chúng tôi không muốn quay về và làm lại từ đầu", ông Trump nói.

Dẫu vậy, việc khi nào và làm thế nào để mở cửa lại đất nước trên thực tế không hoàn toàn do Tổng thống Mỹ quyết định, bởi ông vốn chưa bao giờ ra lệnh đóng cửa. Các sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà được ban hành bởi các thống đốc bang. Về phía chính quyền liên bang, Trump chỉ đưa ra các hướng dẫn không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích và thúc giục dừng các hoạt động hằng ngày cho đến cuối tháng 4.

Song, nếu Tổng thống Mỹ đưa ra các hướng dẫn mới, với nội dung mở cửa lại hoạt động hoặc hướng dẫn cách khôi phục hoạt động kinh tế an toàn, thì nhiều tiểu bang rất có thể sẽ tuân theo, hoặc sẽ giảm bớt các hạn chế do áp lực từ phía các doanh nghiệp và cử tri.

Trong khi đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, sẽ tập hợp các chuyên gia giỏi nhất để nghiên cứu xác suất xảy ra một đợt bùng phát dịch thứ hai nếu mở cửa lại nền kinh tế. "Điều tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta đi sai bước, cũng như để cho cảm xúc vượt lên trên logic và sự thật", ông Cuomo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ thành ổ dịch 'chết chóc' nhất thế giới, Trump đứng trước quyết định lớn nhất cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO