Mở cửa lại nền kinh tế: doanh nghiệp mạnh tay sa thải nhân sự

Khả Hân| 26/06/2020 02:30

Sa thải nhân viên có lẽ là giải pháp đau đớn cuối cùng mà doanh nghiệp (DN) trên thế giới buộc phải lựa chọn để cầm cự ngày nào hay ngày đó, tránh bị phá sản trước khi nền kinh tế phục hồi, mở ra cơ hội hoạt động trở lại, hoặc ít nhất nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.

Sa thải trên quy mô lớn

Ngày 10/6/2020, Hãng Hàng không Lufthansa của Đức cho biết 26.000 nhân viên có nguy cơ bị sa thải. Lufthansa chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến giao thông hàng không hầu như tê liệt trong nhiều tháng và gây ảnh hưởng tới hàng nghìn việc làm trong tổng số khoảng 138.000 nhân viên của hãng. Lufthansa cam kết tái cơ cấu ở quy mô lớn như giảm thêm hơn 10.000 việc làm, thanh lý các tài sản trong bối cảnh hãng tìm cách thanh toán khoản trợ giúp 9 tỷ euro của Chính phủ Đức và phục hồi hoạt động.

Lợi nhuận của Lufthansa giảm mạnh dẫn đến việc phải sa thải hàng loạt nhân viên của hãng

Lợi nhuận của Lufthansa giảm mạnh dẫn đến việc phải sa thải hàng loạt nhân viên của hãng

Hàng không có lẽ là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Trước đó British Airways cũng đã sa thải 12.000 nhân viên, tức gần 30% nhân viên của hãng trong kế hoạch cắt giảm chi phí. Tương tự, 5.000 nhân viên Hãng Hàng không quốc gia Scandinavian Airlines bị cho thôi việc. Trong khi đó, dù đã sa thải 4.700 nhân viên, nhưng hãng hàng không giá rẻ Norwegian cũng chưa chắc tồn tại được cho tới cuối năm 2020 mà không bị sáp nhập vào một tập đoàn lớn hơn.

Các dịch vụ vận tải dưới đất cũng khó tránh khỏi số phận chung. Hãng gọi xe Uber của Mỹ cũng đã phải cắt giảm 25% nhân sự toàn cầu, tương đương gần 7.000 nhân viên. Chương trình đền bù nghỉ việc của Uber dù tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng sẽ giúp công ty này tiết kiệm được 1 tỷ USD cả năm.

Hay mới đây là Grab - dịch vụ gọi xe hàng đầu Đông Nam Á cho biết sẽ cắt giảm 360 lao động, tương đương 5% nhân viên. Ngoài cắt giảm nhân sự, Grab dự định loại bỏ một số dự án không trọng điểm, từ đó củng cố chức năng và tái phân bổ lao động vào công việc mới, như giao hàng. Đây là động thái mới nhất kể từ cuối tháng 4/2020, ứng dụng Grab bắt đầu đề nghị nhân viên tự nguyện nghỉ không lương hoặc giảm giờ làm để tránh bị sa thải.

Lĩnh vực kinh tế chia sẻ cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất, khi không còn ai muốn sử dụng các dịch vụ chung, cũng như chịu tác động do việc hạn chế các dịch vụ du lịch, giải trí. Ngoài Uber và Grab, các dịch vụ như mua chung Groupon, thuê chỗ ở Airbnb, đặt phòng Agoda hay mô hình đi xe chung Ola cũng liên tiếp sa thải nhân viên trên quy mô lớn.

Giải pháp cuối cùng

Sa thải nhân viên có lẽ là giải pháp đau đớn cuối cùng mà DN buộc phải lựa chọn để cầm cự ngày nào hay ngày đó, tránh phải rơi vào tình trạng phá sản trước khi nền kinh tế phục hồi, mở ra cơ hội hoạt động trở lại, hoặc ít nhất nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.

Thời gian qua đã có hàng loạt hãng hàng không phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, như Aeroflot, Etihad, Air India, South African Airways, Philippine Airlines, Garuda Indonesia hay Thai Airways. Trong khi đó, nhiều công ty cỡ trung bình không có sự hậu thuẫn của nhà nước đã buộc phải tuyên bố phá sản, trong đó có Hãng Hàng không Flybe của Anh, Hainan Airlines của Trung Quốc, Srilankan Airlines, Virgin Australia của Úc, LWG của Đức.

767756765-7907-1593143847.jpg

Dù đã mở cửa hoạt động trở lại, nhiều DN cũng có nguy cơ phải tiếp tục cắt giảm nhân sự. Nguyên nhân vì không có đơn hàng, hoặc thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, do khách hàng nước ngoài đã hủy hay cắt giảm đơn hàng khi đại dịch lan ra toàn cầu. Đây là tình trạng phổ biến tại nhiều nhà máy của Trung Quốc sau khi hoạt động trở lại trong tháng 4 và tháng 5.

Với dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế lớn vốn là thị trường tiêu thụ mạnh như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực châu Âu vẫn có nguy cơ bùng phát lây nhiễm SAR-CoV-2, nên sức cầu tiêu dùng sẽ chưa sớm phục hồi, trong khi hoạt động thương mại cũng ít nhiều bị hạn chế do đại dịch.

Ở nhiều nước phương Tây, nhiều công ty trong thời gian ngừng hoạt động vẫn duy trì chính sách cho người lao động. Nhưng sau khi hoạt động trở lại liền mạnh tay cắt giảm nhân viên, do không còn nhận được các gói hỗ trợ của chính phủ để chi trả lương như trong giai đoạn còn phong tỏa, giãn cách.

Đối với các công ty khởi nghiệp vốn có thói quen "đốt tiền" để tranh giành thị phần, thì trong khủng hoảng vừa qua, lượng khách hàng bị mất hoặc ngừng sử dụng dịch vụ chia sẻ cũng khiến nhóm này lao đao, nhất là khi tiền mặt là "vua", nhiều tập đoàn lớn, quỹ tổ chức gặp khó khăn và e ngại rủi ro, nên các đợt gọi vốn cũng khó có thể thành công.

Ngay cả các ngành truyền thông như ngân hàng vốn có lợi nhuận cao cũng đang thắt chặt chi tiêu. Mới đây, HSBC tái khởi động chương trình cắt giảm 35.000 việc làm. Kế hoạch này từng được đưa ra vào tháng 2, nhưng đến tháng 4 HSBC buộc phải trì hoãn vì không muốn nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp giữa đại dịch Covid-19. Được biết, lợi nhuận năm 2019 của HSBC giảm 33% so với năm trước, chủ yếu do chi phí hoạt động tăng mạnh, hơn 22%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa lại nền kinh tế: doanh nghiệp mạnh tay sa thải nhân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO