Hệ quả khó lường từ chính sách bơm tiền ồ ạt

Lê Phan| 01/02/2021 06:00

Để vực dậy nền kinh tế ngay từ đầu năm, xu hướng bơm tiền chắc chắn chưa dừng lại, khi các nước vẫn tăng cường mở rộng tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ.

bai-1-tien-2-2162-1611739195.jpg

Lượng lớn tiền tiếp tục được bơm ra thị trường

Trước thời điểm tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021 vừa qua, ông Joe Biden cho biết sẽ đệ trình lên quốc hội về gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vốn bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đồng thời để tài trợ cho mục tiêu phát triển dài hạn như cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.

Gói cứu trợ ấy bao gồm 400 tỷ USD cho kiểm soát dịch bệnh, hơn 1.000 tỷ USD để phát tiền cho dân chúng, theo đó mỗi người dân Mỹ sẽ được nhận 1.400 USD và 440 tỷ USD cho doanh nghiệp. Tiền từ gói chi tiêu này cũng sẽ được dùng để hỗ trợ bảo hiểm y tế, tăng lương tối thiểu lên mức 15 USD/giờ, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp.

Nợ công của Mỹ đã tăng thêm 7.000 tỷ USD, lên 27.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Trump và con số này sẽ còn tăng vọt dưới thời ông Biden. Nếu một cuộc khủng hoảng nợ tương tự diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, không biết kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu.

Gói cứu trợ này lớn gấp đôi so với gói cứu trợ đã được thông qua trong tháng 12/2020. Dù có thể sẽ vấp phải những phản đối từ Đảng Cộng hòa, nhưng giới quan sát cho rằng gói cứu trợ có thể vẫn sẽ được thông qua dù giá trị có thể thấp hơn. Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và cũng là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ tăng thêm chi tiêu tài chính trong giai đoạn tới.

Không chỉ chính phủ tăng cường các gói kích thích tài khóa, FED mới đây cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Trước những tin đồn về việc giảm bớt quy mô mua trái phiếu gần đây, Chủ tịch FED Jerom Powell đã khẳng định đây không phải là lúc để bàn về chuyện đó. Ông cũng chia sẻ rằng sẽ thông báo rõ ràng cho công chúng trước khi thực sự giảm dần quy mô mua tài sản.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan trong tháng này cũng tiết lộ các chương trình cứu trợ mới, trong đó bao gồm cả phát tiền trực tiếp trị giá 210 tỷ baht (tương đương 7 tỷ USD) để hỗ trợ hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tái bùng phát. Theo kế hoạch này, Chính phủ Thái Lan sẽ phát tiền cho 30 triệu người, với mỗi người 3.500 baht/tháng trong hai tháng kể từ tháng 2/2021.

Song song đó, nội các Thái Lan đã chỉ đạo một số ngân hàng quốc doanh tăng cho vay doanh nhân và nông dân chịu ảnh hưởng từ đợt dịch mới, trong khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các nhà bán lẻ bị tác động từ đại dịch có thể yêu cầu hỗ trợ từ ngân hàng và các hãng bán lẻ có thể hưởng chính sách xóa nợ cho đến hết tháng 6 năm nay.

Có thể thấy sau các gói cứu trợ khổng lồ trong năm ngoái, nền kinh tế nhiều nước vẫn chìm vào suy thoái, do đó các nước này sẽ chưa ngừng bơm tiền để vực dậy nền kinh tế ngay từ đầu năm 2021.

Hệ quả khó lường

Nhưng quá khứ cho thấy sau mỗi giai đoạn bơm tiền và nới lỏng chính sách tiền tệ, dù có thể kích thích nền kinh tế phát triển, nhưng đồng thời cũng tích lũy rủi ro cho một cuộc khủng hoảng. Như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu lây lan trong giai đoạn 2010-2012 là hệ quả đến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ba năm trước đó.

Với chính sách chi tiêu mạnh mẽ thời gian qua và trong giai đoạn tới, nợ công của các nước sẽ tăng vọt là điều khó tránh khỏi. Các số liệu phân tích cho thấy nợ công của Mỹ đã tăng thêm 7.000 tỷ USD, lên 27.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Trump và con số này sẽ còn tăng vọt dưới thời ông Biden. Nếu một cuộc khủng hoảng nợ tương tự diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, không biết kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu.

Áp lực lạm phát sẽ gia tăng trở lại trước nguồn cung tiền ồ ạt và giá hàng hóa leo cao khi đồng USD giảm mạnh cũng là một rủi ro tiềm tàng. FED gần đây đã có điều chỉnh chính sách quan trọng, theo đó chấp nhận lạm phát mục tiêu trung bình cho một giai đoạn ở 2% rồi mới quyết định tăng lãi suất, thay vì trước đây chỉ cần lạm phát chạm ngưỡng 2% tại bất kỳ thời điểm nào là đủ để hành động. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho FED có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài, nhưng điều đó cũng khiến rủi ro tích lũy sẽ tiếp tục gia tăng.

Lạm phát cao và đồng tiền mất giá sẽ đẩy giá các loại tài sản leo cao là điều có thể thấy trước, từ đó bong bóng tài sản sẽ hình thành và đẩy các nền kinh tế nói chung và những nhà đầu tư nói riêng rơi vào tình trạng phá sản nếu không dừng lại đúng lúc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hệ quả khó lường từ chính sách bơm tiền ồ ạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO