Giữa đại dịch, số người 'siêu giàu' tăng mạnh nhất 10 năm qua

Bảo Quân| 25/06/2021 06:00

Hơn 5 triệu người trên toàn thế giới đã trở thành triệu phú USD trong năm qua, bất chấp các thiệt hại kinh tế chung từ đại dịch.

Giới siêu giàu Mỹ là những người "ăn nên làm ra" nhất giữa đại dịch

Giới siêu giàu Mỹ là những người "ăn nên làm ra" nhất giữa đại dịch

Theo báo cáo thường niên Global Wealth của ngân hàng Credit Suisse, số lượng triệu phú USD trên thế giới tăng thêm 5,2 triệu người trong năm qua. Thêm vào đó, 2020 cũng là năm đầu tiên số lượng triệu phú là người trưởng thành vượt tỷ lệ 1% dân số thế giới, bất chấp các thiệt hại kinh tế chung do đại dịch khiến nhiều người đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn. 

Báo cáo từ Credit Suisse cho biết, nước Mỹ năm qua có thêm 1.730.000 triệu phú USD, nâng tổng số triệu phú USD tại nơi này lên 22 triệu. Đức đứng thứ hai với 633.000 triệu phú USD tăng thêm; Úc và Nhật Bản có thêm lần lượt 392.000 và 390.000 người. Pháp có thêm 309.000 người và Anh có thêm 258.000 người.

Tổng cộng, toàn thế giới hiện có 56,1 triệu người sở hữu giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên. Riêng số người "siêu giàu" với khối tài sản ròng hơn 50 triệu USD, tăng 41.420 người, lên 215.030 cá nhân. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, thêm 24% so với năm 2019. Ngoài ra, tổng giá trị tài sản trên toàn cầu cũng tăng 7,4% trong năm 2020, và tài sản trên đầu người trưởng thành đạt mức kỷ lục - 79.952 USD.

Link bài viết

Trong đó, giới siêu giàu Mỹ dường như là đối tượng "ăn nên làm ra" nhất giữa đại dịch. Cụ thể, tổng giá trị tài sản của giới tỷ phú nước này tăng hơn 1.100 tỷ USD kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Người Mỹ về Công bằng Thuế.

Tính đến tháng 1/2021, tổng tài sản của 660 tỷ phú Mỹ đạt 4.100 tỷ USD; và nhóm này hiện sở hữu giá trị tài sản nhiều hơn 66% tổng giá trị tài sản của 50% dân số nghèo nhất.

Nhà kinh tế học Anthony Shorrocks - tác giả báo cáo, cho biết, dù đại dịch Covid-19 đã gây "tác động ngắn hạn đến thị trường toàn cầu", nhưng điều này "phần lớn đã bị đảo ngược vào cuối tháng 6/2020". "Sự giàu có trên toàn cầu không những ổn định khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy mà còn tăng nhanh trong nửa cuối năm", Shorrocks nói.

Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán và giá nhà ở tăng vọt, tài sản của nhiều người giàu cũng tăng lên nhanh chóng. "Việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất có lẽ có tác động lớn nhất. Đó là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu và giá nhà tăng mạnh, và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá tài sản theo hộ gia đình của chúng tôi", Nannette Hechler-Fayd'herbe - Giám đốc đầu tư tại Credit Suise, nhận xét.

Bà Hechler-Fayd'herbe nói thêm: "Việc chính phủ và ngân hàng trung ương các nước hỗ trợ mạnh tay cho các cá nhân cùng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi đại dịch, song song với hạ thấp lãi suất, đã giúp ngăn chặn thành công một cuộc khủng hoảng toàn cầu với quy mô lớn".

Tuy nhiên, vị nữ giám đốc cũng cho rằng, những sự can thiệp này đi cùng với "một cái giá rất đắt", khi tại nhiều nước, nợ công so với GDP đã tăng từ 20 điểm phần trăm trở lên. Bên cạnh đó, các tác giả báo cáo cũng cho biết, khoảng cách giàu nghèo trong năm qua cũng leo lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Năm 2020, khoảng cách giàu nghèo đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Năm 2020, khoảng cách giàu nghèo đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Khoảng cách giàu nghèo gia tăng

Đáng chú ý, tác động của đại dịch đối với tài sản của dân số thế giới, đặc biệt đối với những người nghèo nhất, nghiêm trọng nhất tại các nước mà chính phủ không bù đắp được phần thu nhập mất đi trong thời gian đóng cửa nền kinh tế. Theo Credit Suisse, việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại các nước có thể không phải do đại dịch hay các tác động kinh tế trực tiếp của nó, mà là hệ quả của chuỗi hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế tại các nước, mà chủ yếu là do giảm lãi suất.

Theo báo cáo, tổng giá trị tài sản toàn cầu hiện vào khoảng 418.300 tỷ USD, nhưng giới triệu phú USD lại nắm giữ đến 192.000 tỷ USD (45,8%), trong khi những người có tài sản dưới 10.000 USD chiếm 55% dân số và chỉ nắm giữ 5.500 tỷ USD (1,3%). 

Được biết, những người giàu nhất vốn sở hữu lượng lớn cổ phiếu và bất động sản, nhìn chung không bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế. Giá cố phiếu dù lao dốc trong nửa đầu 2020 nhưng sau đó đã phục hồi, giúp tài sản của người giàu tăng thêm. Trong khi đó, nhóm sở hữu bất động sản cũng hưởng lợi từ việc giá nhà tăng, trung bình 5,6% vào năm qua.

Theo Credit Suisse, kể từ đầu thế kỷ XXI, số người sở hữu tài sản từ 10.000 USD đến 100.000 USD đã tăng gấp 3 lần, từ 507 triệu vào năm 2000 lên 1,7 tỷ vào giữa năm 2020. Mức tăng này phản ánh "sự thịnh vượng ngày càng lớn của các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc, và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển".

Chuck Collins - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS) tại Mỹ, nhận xét: "Các tỷ phú đang gặt hái khối tài sản không hề nhỏ trong thời đại dịch. Họ hưởng lợi từ việc các đối thủ cạnh tranh đóng cửa, hoặc do kiểm soát các nền tảng công nghệ và dịch vụ mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc trong thời điểm chưa từng có này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữa đại dịch, số người 'siêu giàu' tăng mạnh nhất 10 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO