Covid-19 đã gây xáo trộn lực lượng lao động nữ Ấn Độ như thế nào?

Thùy Chi| 10/08/2021 06:00

Là đất nước đông dân thứ 2 tại châu Á, với khoảng 1,4 tỷ dân, trong đó 48,1% dân số là nữ, thế nhưng số lượng phụ nữ Ấn Độ tham gia vào thị trường lao động lại vô cùng thấp và vẫn liên tục giảm mạnh trong hơn một thập kỷ qua. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này, Ấn Độ tiếp tục chứng kiến làn sóng mới trên thị trường lao động. Chuyện gì đang xảy ra?

Trước Covid-19

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (The World Bank), tỷ lệ lao động nữ ở Ấn Độ trong những năm 90 của thế kỷ trước chiếm khoàng 25% toàn bộ lực lượng lao động. Tỷ lệ này đạt đỉnh vào năm 2005, với trên 26%.

Nhưng từ năm 2005 đến 2019, trước khi Covid-19 bùng phát, tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động tại Ấn Độ chỉ còn khoảng 20%. Toàn bộ các con số này đều rất thấp so với nhiều nước trên thế giới, ví dụ những nước phát triển như Mỹ (trên 44% vào những năm 1990 và trên 46% vào năm 2019), hay thậm chí những nước đang phát triển khác, như Việt Nam (gần 48,5% vào những năm 1990 và gần 48% vào năm 2019).

Sự sụt giảm mạnh tỷ lệ lao động nữ trên thị trường của Ấn Độ trong hơn một thập kỷ qua thậm chí đang đi ngược với xu thế chung của thế giới, khi phụ nữ ngày càng nhận được nhiều cơ hội việc làm, được trao quyền và cổ vũ nhiều hơn để phát triển sự nghiệp.

Biểu đồ của The World Bank thể hiện tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động qua các năm từ 1990 đến 2019

Biểu đồ của The World Bank thể hiện tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động qua các năm từ 1990 đến 2019

Tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động của một nước cho thấy sự năng động của thị trường lao động nước đó. Tỷ lệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt trong đó là phúc lợi và cơ hội phát triển cho phụ nữ.

Ở Ấn Độ, có quá nhiều khó khăn để một người phụ nữ tìm được công việc phù hợp.

Khó khăn chung của phụ nữ trên thế giới, nhưng mức độ nặng nhẹ tùy từng quốc gia, đó chính là nghĩa vụ chăm sóc gia đình, con cái. Là một đất nước châu Á điển hình, còn lưu giữ nhiều hủ tục trọng nam khinh nữ, trên một số phương diện, Ấn Độ vẫn đang gây trở ngại cho phụ nữ trên con đường sự nghiệp. Rất nhiều phụ nữ không thể đi làm kiếm tiền vì trên vai họ là gánh nặng việc nhà không tạo ra thu nhập, vì thế không được tính vào đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế.

Đối với lao động nữ phổ thông, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp không rộng mở. Ngoài việc làm nông, rất nhiều nghề nghiệp khác chỉ dành cho đàn ông. Với trình độ văn hóa lớp 10, một người đàn ông có thể làm những công việc như lái xe, bưu tá, hoặc các công việc tương tự… Nhưng, những việc này không dành cho phụ nữ tại Ấn Độ.

Ngay cả nữ giới có trình độ giáo dục cao cũng gặp không ít khó khăn trên thị trường lao động Ấn Độ. Có một cách biệt không hề nhỏ về lương bổng giữa nam giới và nữ giới.

Theo báo cáo của Monster (một trang web nghề nghiệp toàn cầu, được hợp nhất và đi vào hoạt động từ năm 1999), khoảng cách lương theo giới ở Ấn Độ vào năm 2018 là 22,5%. Có nghĩa rằng, với cùng một công việc và hiệu suất như nhau, nữ giới nhận mức lương thấp hơn gần một phần tư so với nam giới. Con số chênh lệch này tăng lên vào năm 2019. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, dựa trên số tiền trung bình trả cho một giờ làm thì một phụ nữ Ấn sẽ chỉ nhận được mức lương bằng 65,5% so với đồng nghiệp nam, cho cùng một công việc.

Tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp Ấn cũng không cao, theo danh sách công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia của nước này, vào năm 2014. Chỉ có khoảng 3,2% CEO và các chức danh quản lý do phụ nữ đảm nhận. Con số này tăng lên 3,7% vào năm 2019. Tức là cứ 100 người giữ các vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp, thì chỉ có 3 đến 4 người là phụ nữ.

Để thay đổi thực trạng đáng buồn này, trong những năm qua, Ấn Độ đã có một số động thái nhất định, nhưng chưa tạo ra kết quả rõ ràng.

Những người phụ nữ Ấn Độ đang làm việc tại một công trường xây dựng. Lao động phổ thông là nữ ở Ấn Độ rất khó có thể tìm được những công việc phù hợp

Những phụ nữ Ấn Độ đang làm việc tại một công trường xây dựng. Lao động phổ thông là nữ ở Ấn Độ rất khó có thể tìm được những công việc phù hợp

Đầu tiên là việc phát triển giáo dục, giúp cho số lượng phụ nữ Ấn Độ có trình độ cao ngày càng tăng lên, từ đó có thể giành được nhiều cơ hội hơn để phát triển. Giai đoạn 2018-2019, nữ giới chiếm 53% số người có bằng cử nhân, 69,6% thạc sĩ, và 41,8% tiến sĩ. Tuy nhiên phải nói thêm rằng đó là tỷ lệ nữ trong tổng số những người được đào tạo của năm 2018-2019. Còn thực tế, đến năm 2018, chỉ có gần 66% phụ nữ Ấn Độ biết đọc biết viết, thấp hơn rất nhiều so với trung bình chung của thế giới là hơn 83%.

Tiếp theo là những chính sách tăng cường tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo của các doanh nghiệp. Ấn Độ đã áp dụng giải pháp bắt buộc phải bổ nhiệm ít nhất một phụ nữ vào ban giám đốc đối với các công ty đại chúng, đánh dấu việc lần đầu tiên một đất nước đang phát triển dùng hạng ngạch trong nỗ lực cân bằng tỷ lệ giới đối với nhân sự quản lý.

Đồng thời quốc gia này cũng kéo dài thời gian nghỉ chế độ thai sản lên 26 tuần hưởng nguyên lương cho phụ nữ (thời gian nghỉ thai sản này dài hơn Mỹ và Nhật Bản).

Thế nhưng bất chấp những nỗ lực đó, tỷ lệ phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động vẫn rất thấp, dù là lao động phổ thông hay lao động có trình độ.

Những xáo trộn do Covid-19

Trong cơn khủng hoảng dịch bệnh, với số ca mắc và tử vong có những giai đoạn cao nhất thế giới, nền kinh tế Ấn Độ gặp vô vàn khó khăn. Nhiều DN đóng cửa, lao động mất việc làm. Các công ty khác phải cho nhân viên làm việc tại nhà. Đây hóa ra lại trở thành động lực giải phóng một số phụ nữ khỏi những gánh nặng không đáng có. Họ không còn phải chen chúc nhiều giờ trong cảnh tắc đường kinh hoàng - nỗi ám ảnh với tất cả những người lao động Ấn Độ làm việc tại cách thành phố lớn. Từ đó họ có thêm thời gian dành cho bản thân, gia đình, và cả công việc. Nhờ vậy, công việc bớt căng thẳng, mệt mỏi và cũng trở nên hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, truyền thống chung sống trong một đại gia đình đông đúc của người Ấn Độ đôi lúc cũng trở nên có ích. Khi tất cả các hoạt động bên ngoài phải tạm ngừng, các thành viên khác trong gia đình có thêm thời gian để hỗ trợ người phụ nữ trong các công việc nhà và chăm sóc trẻ nhỏ.

Chỉ một vài tác động tích cực bé nhỏ như vậy, nhưng tín hiệu đáp lại khá khả quan. Theo khảo sát của nền tảng việc làm trực tuyến JobsForHer trên 300 công ty tại Ấn Độ, số lượng phụ nữ đảm nhiệm các vị trí chuyên môn từ trung đến cao cấp chiếm 43% vào năm 2020, tăng hơn 20% so với năm 2019.

Trong nửa đầu năm 2021, số lượng phụ nữ tích cực tìm kiếm và khám phá các cơ hội việc làm tăng 89% so với trước năm 2020, dựa trên phân tích số liệu đối với các công việc chuyên môn từ trung đến cao cấp do Ciel HR Services thực hiện. Dường như phụ nữ đã nhận ra tín hiệu thuận lợi của thị trường lao động, dù chỉ là tạm thời. Cũng theo Ciel HR Service, các DN sẽ còn tăng tỷ lệ tuyển dụng lao động nữ cho các vị trí này thêm 21% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, những con số khả quan này chỉ đúng với một bộ phận lao động nữ, những người có chuyên môn ở mức trung và cao cấp. Với những người ở vị trí thấp hơn, và nhìn chung đối với toàn bộ lực lượng lao động, thì Covid-19 đang gây ra những xáo trộn tiêu cực. Nhiều người mất việc làm và bị đẩy trở về quê, nơi những áp lực về việc lập gia đình hay các truyền thống khác tiếp tục đặt lên vai họ. Ngay cả trong chuyện mất việc làm, phụ nữ cũng dễ bị cho nghỉ hơn đàn ông, với cùng một vị trí công việc.

Những thuận lợi bé nhỏ tạm thời nhờ làm việc tại nhà rồi cũng sẽ bị thay đổi một khi đại dịch đến hồi kết. Mặc dù người lao động nhiều nơi đã cho thấy chất lượng công việc họ làm không đổi khi làm việc tại nhà, thì thực tế là các công ty chắc chắn vẫn sẽ yêu cầu nhân viên trở lại nơi làm việc. Lúc đó, nếu vẫn chưa có biện pháp cải thiện các vấn đề gốc rễ căn bản thì mọi việc sẽ trở về trạng thái cũ.

Mặc dù vậy, những xáo trộn này cũng cho thấy Ấn Độ đang có chuyển biến nhằm khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tìm việc làm, bên cạnh những chính sách vĩ mô như tăng cường giáo dục, giảm khoảng cách lương theo giới tính, hay trao cơ hội thăng tiến cho phụ nữ.

Dân số Ấn Độ đang tăng chóng mặt, kéo theo đó là sự tăng lên đáng kể số lượng phụ nữ nằm trong độ tuổi lao động, dù tỉ lệ nam - nữ tại Ấn Độ đang chênh lệch không hề nhỏ do sự phân biệt giới tính.

Theo Catalyst (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thành lập từ năm 1962 với sứ mệnh thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ thông qua việc hòa nhập tại nơi làm việc), ước tính đến năm 2050 lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ cán mốc 800 triệu người. Catalyst cũng chỉ ra, nếu có thể tăng số lượng nữ giới tham gia thị trường lao động thêm 10% thì GDP tổng của Ấn Độ vào năm 2025 có thể tăng thêm 770 tỷ USD. Đó là một con số ấn tượng và rất đáng cân nhắc để Ấn Độ hướng tới những biện pháp quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Covid-19 đã gây xáo trộn lực lượng lao động nữ Ấn Độ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO