Bitcoin 'chọc thủng' đỉnh 2 năm, dự báo tiếp tục tăng giá

Tuỳ Phong| 19/11/2020 03:30

Giá Bitcoin đang tiến sát về mức đỉnh gần 20.000 USD thiết lập trong "cơn sốt" cách đây 3 năm. Lý do đà tăng này là gì, và liệu đồng tiền mã hoá có tiếp tục tăng giá?

Bitcoin 'chọc thủng' đỉnh 2 năm, dự báo tiếp tục tăng giá

Từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã tăng 146%. Nếu tính riêng trong quý III/2020, giá của đồng tiền mã hoá này đã tăng xấp xỉ 70%.

Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, giá Bitcoin cập nhật đến sáng 19/11/2020 đạt 17.956 USD, tăng 1,57% so với hôm qua. Thậm chí, có thời điểm đồng tiền mã hoá này lên tới gần 18.500 USD trong ngày 18/11, song đã nhanh chóng đi xuống sau đó.

Với mức giá trên, giá Bitcoin chỉ còn cách mức đỉnh 19.783 USD thiết lập cách đây 3 năm khoảng 1.800 USD. Hiện, tổng giá trị vốn hóa của đồng tiền mã hoá này đã đạt 333 tỷ USD, cách không xa mức vốn hóa kỷ lục 335 tỷ USD trước đây. Từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã tăng 146%. Nếu tính riêng trong quý III/2020, giá của đồng tiền mã hoá này đã tăng xấp xỉ 70%, theo dữ liệu từ CoinDesk 20.

Do đó, nhiều dự báo cho rằng, đồng tiền mã hoá này sẽ sớm quay lại mức đỉnh cách đây 3 năm và thậm chí phá kỷ lục, trong bối cảnh chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia ngày càng nới lỏng để khắc phục thiệt hại do Covid-19 cũng như sự đón nhận từ các tổ chức tài chính lớn ở Phố Wall dành cho tiền mã hoá.

Link bài viết

Sự đón nhận từ các tổ chức tài chính

"Không nghi ngờ gì, các sự kiện gần đây chắc chắn đã có tác động. Dòng tiền đầu tư từ các tổ chức như MicroStrategy và Square; việc PayPal cho phép mua, bán và giữ tiền mã hoá; giá Bitcoin giảm một nửa vào tháng 5 qua có thể là các nguyên nhân khiến đồng tiền này liên tục tăng giá", Antoni Trenchev - nhà đồng sáng lập, đối tác quản lý tại công ty cho vay tiền mã hoá Nexo, nhận xét.

Vào mùa hè qua, Fidelity Investments - một tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, đã mở một quỹ đầu tư Bitcoin.

Đồng thời, một số nhà quản lý quỹ nổi tiếng cũng thể hiện quan điểm cởi mở hơn với tiền mã hoá, đơn cử như Paul Tudor Jones và Stanley Druckenmiller mua Bitcoin như một công cụ chống rủi ro lạm phát.

"Bitcoin luôn là một trong những tài sản tăng giá mạnh nhất thế giới kể từ ngày ra đời", nhà sáng lập Mati Greenspan của Quantum Economics, nhận định. "Đợt tăng mạnh mới nhất này diễn ra khi các nhà đầu tư lớn gia nhập thị trường và gom nốt số Bitcoin còn lại".

Theo Charles Hayter - CEO hãng cung cấp số liệu tiền mã hoá CryptoCompare, "khoảng cách giữa thế giới tiền mã hoá và các tổ chức tài chính truyền thống đã thu hẹp đáng kể". "Việc này khiến người chơi hiện tại trên thị trường tài sản kỹ thuật số cảm thấy yên tâm. Covid-19, chính sách tiền tệ và diễn biến chính trị trên toàn cầu đã thúc đẩy xu hướng này", ông Hayter nói.

Diễn biến giá Bitcoin trong vòng 1 năm trở lại đây. Ảnh: Bloomberg.

Diễn biến giá Bitcoin trong vòng 1 năm trở lại đây. Ảnh: Bloomberg.

Chính sách tiền tệ nới lỏng

Các nhà đầu tư tin tưởng Bitcoin thường có xu hướng nắm giữ đồng tiền này bất chấp giá tăng hay giảm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác mới chỉ quan tâm đến Bitcoin kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo các biện pháp khắc phục hậu quả mà nó gây ra lên nền kinh tế như in thêm tiền để hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất...

Theo giới phân tích, lãi suất âm tại nhiều thị trường truyền thống, chẳng hạn như Đức, là yếu tố đằng sau đà tăng siêu tốc của Bitcoin vào năm nay. CEO của công ty phân tích CryptoQuant Ki Young Ju, cho rằng "lãi suất là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của mọi người về việc gửi tiền vào đâu". 

"Tôi chắc chắn rằng, lãi suất âm sẽ thúc đẩy việc đón nhận tiền mã hoá, dù đó là mua trực tiếp tiền mã hoá/quỹ chỉ số hay sử dụng dịch vụ đặt cược", vị CEO nói.

Giới ủng hộ Bitcoin cho rằng, đồng tiền mã hoá này có vai trò hầm trú ẩn tài sản tương tự như vàng - loại tài sản vốn thường được mua vào nhiều trong thời kỳ biến động kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có biến động mạnh. 

Link bài viết

Ngoài ra, số khác tin rằng, Bitcoin có thể được sử dụng làm công cụ chống lạm phát khi các ngân hàng trung ương ồ ạt in tiền giấy để đối phó với đại dịch, khiến đồng tiền các nước mất sức hút.

"Tôi nghĩ, về cơ bản, đà tăng của Bitcoin phụ thuộc vào chính sách tài chính và tiền tệ. Các ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất cho đến khi chúng xuống mức âm nhẹ, và sau đó họ phải in tiền", Kyle Davies - nhà đồng sáng lập của Three Arrows Capital, nhận xét. Khi đó, sự phụ thuộc của các ngân hàng trung ương vào tiền giấy sẽ khiến "Bitcoin trở nên hấp dẫn".

Dù vậy, cũng không ít người hoài nghi và e ngại rằng Bitcoin sẽ có đợt giảm nhanh trở lại sau đà tăng giá siêu tốc. Cần biết rằng, đầu tư vào tiền mã hoá nói chung và Bitcoin nói riêng luôn tiềm ẩn rủi ro, nếu không muốn nói là rủi ro cao hơn so với các kênh đầu tư khác, nhất là nguy cơ xảy ra các vụ đánh cắp và hack tài khoản.

Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang tiến hành các thủ tục nhằm thu hồi số Bitcoin trị giá hơn 1 tỷ USD mà cơ quan này cho là có liên quan đến một trang web tội phạm có tên Silk Road - nơi đã bị cơ quan chức năng Mỹ đóng cửa cách đây 7 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bitcoin 'chọc thủng' đỉnh 2 năm, dự báo tiếp tục tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO