Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng tốc từ quý II/2022

HT| 31/03/2022 07:00

Việt Nam được đánh giá là có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và giới phân tích kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc từ quý II/2022.

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng tốc từ quý II/2022

Số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 29/3/2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 5,03% trong quý I. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay của Việt Nam đã vượt mức 4,72% được ghi nhận trong quý I năm ngoái. Việt Nam đạt mốc tăng trưởng khá trong quý đầu tiên bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Xuất khẩu trong quý đầu tiên tăng 12,9% so với một năm trước, lên 88,58 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 15,9% lên 87,77 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại là 809 triệu USD.

Việt Nam - trung tâm sản xuất trong khu vực - đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 từ cuối năm 2021, cho phép các nhà máy hoạt động trở lại. "Không giống như trong làn sóng Delta, việc triển khai vaccine thành công đã cho phép chính phủ Việt Nam duy trì hoạt động của các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp mở", công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở ở London cho biết, đề cập đến đợt bùng phát Covid-19 gần đây do biến thể Omicron gây ra.

Capital Economics kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới và dự báo GDP sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu chính thức là 6-6,5% và sau mức tăng trưởng 2,58% của năm ngoái. Tuy nhiên, Capital Economics cũng cảnh báo rằng có những trở ngại mới đang xuất hiện: "Giá dầu cao hơn sẽ kéo theo sự phục hồi của người tiêu dùng". Capital Economics lưu ý thêm rằng, tăng trưởng chậm hơn trong nền kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm xuất khẩu trong khi quy mô các đợt phong tỏa ở Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6-6,5% vào năm 2022. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đó sẽ là tốc độ nhanh nhất trong khu vực và nhanh thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương, sau tốc độ ước tính 7,5% của Ấn Độ. Sản xuất sẽ là động lực chính, trong khi du lịch, xây dựng và các ngành công nghiệp khác dự kiến ​​sẽ tiếp tục phục hồi.

Mặc dù dữ liệu công bố cho thấy GDP quý đầu tiên của năm 2022 tăng chậm hơn dự kiến, song hoạt động kinh tế được cho là sẽ đạt được động lực trong 3 quý còn lại nhờ việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Nền kinh tế Việt Nam đã bị gián đoạn nghiêm trọng vào năm ngoái bởi đại dịch, nhưng đã bắt đầu bình thường hóa. GDP kỳ vọng sẽ tăng tốc nhanh hơn từ quý II. Hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế. Vào tháng 1, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gói kích thích trị giá 350.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) để đưa nền kinh tế vượt qua sự gián đoạn của Covid-19 và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraina vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng này, do những căng thẳng địa chính trị được cho là đã làm gia tăng nguồn cung toàn cầu đối với mọi thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu. Tại Việt Nam, giá tiêu dùng đã tăng 2,41% trong tháng 3 so với một năm trước đó, so với mục tiêu của Chính phủ là giới hạn lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng tốc từ quý II/2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO