Kinh tế Việt Nam 2017: Nhiều cơ hội tăng trưởng

GIA MINH/DNSGCT| 20/03/2017 00:15

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội giúp duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng.

Kinh tế Việt Nam 2017: Nhiều cơ hội tăng trưởng

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội giúp duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng. 

Đọc E-paper

Nhận định trên được ông Đinh La Thăng đưa ra trong Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề "Kinh doanh – đầu tư trong một thế giới đang thay đổi", thu hút sự quan tâm rộng rãi của các chuyên gia kinh tế - tài chính và hơn 300 doanh nhân.

Năm 2016 đã khép lại, nhưng những bài toán đặt ra từ nhiều năm trước vẫn còn ngổn ngang, như tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… Thêm vào đó, những thay đổi trên bình diện quốc tế cũng đang tác động mạnh mẽ đến đường hướng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế nói chung và các ngành, các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam.

Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Hàng loạt chính sách mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới.

Về tình hình trong nước, theo ông Đinh La Thăng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn khi lần đầu tiên trong nhiều năm, mức tăng trưởng ở lĩnh vực nông nghiệp xuống mức đáy. Trong khi đó, thực lực doanh nghiệp và năng suất lao động trong nước còn chậm được cải thiện trước áp lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế lớn chưa từng thấy.

Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng. Chính phủ đang hiện thực hóa cam kết của Nhà nước hỗ trợ tối đa sự phát triển của doanh nghiệp, chú trọng, quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, tiếp thêm động lực cho chương trình khởi nghiệp gắn với đổi mới dựa trên triết lý sáng tạo là nguyên tắc chi phối, đồng thời phát triển nền nông nghiệp dựa trên hai động lực chính là công nghệ cao và doanh nghiệp.

Trước thềm Hội thảo kịch bản kinh tế Việt Nam, ông Don Lam – Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, bày tỏ sự lạc quan trong thận trọng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017. Kinh tế vĩ mô hiện tại đang trong giai đoạn ổn định, và GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phải để ý tới mức độ lạm phát và lãi suất trong năm nay.

Theo ông Don Lam, Chính phủ nên lưu tâm tới một số nhân tố bên ngoài như việc Chính phủ Mỹ có thể sẽ có những chính sách thương mại mới mang tính bảo hộ, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đồng Nhân dân tệ mất giá có thể khiến xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, và các vấn đề khác. Tuy nhiên, Việt Nam trong những năm qua đã chứng tỏ khả năng phục hồi qua những biến động của nền kinh tế thế giới, hy vọng khả năng này sẽ tiếp tục.

>>5 yếu tố thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm 2017

Một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nền công nghiệp Việt Nam đang quá phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi khu vực doanh nghiệp nội địa đang rất khó khăn.

Hiện nay, khu vực FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chiếm tới 100% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại di động.

Trong tổng vốn đầu tư của xã hội, kể cả vốn đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng, tỷ lệ của FDI rất cao nếu so với các nước khác, kể cả các nước trong nhóm thế hệ công nghiệp hóa thứ năm như Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Những công ty xuất phát từ các nước này hầu hết có lịch sử phát triển ngắn, nguồn lực và trình độ công nghệ còn hạn chế; chưa xác lập văn hóa kinh doanh có tính chất toàn cầu với sự đề cao trách nhiệm xã hội nên chất lượng công nghệ thường không cao và dễ gây va chạm tại nước đến đầu tư (80% có công nghệ trung bình so với thế giới, 14% có công nghệ lạc hậu, chỉ có 6% có công nghệ cao).

Một điều đáng quan ngại là công nghệ mới trong doanh nghiệp FDI chủ yếu là từ các công ty mẹ và hoạt động với mục đích chỉ tập trung vào khâu sản xuất chiếm lĩnh thị trường dựa trên các lợi thế về công nghệ do công ty mẹ cung cấp. Trong số này phần lớn là các hợp đồng chuyển giao công nghệ cục bộ không mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án FDI đều do công ty nước ngoài bỏ vốn 100% (chiếm tới 80,9%), hình thức liên doanh với công ty trong nước rất ít (16,7%). Lũy kế tới năm 2014, có tới 80,9% loại hình doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài, 16,7% là liên doanh và 2,4% là hình thức khác.

Hiện nay, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước rất yếu.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam còn thấp, năm 2014 ở vị trí thứ 103/134, giảm 46 bậc sau năm năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39, Philippines 42 và Campuchia 44.

Đặc điểm FDI phần lớn là 100% vốn nước ngoài và do thiếu liên kết dọc với doanh nghiệp trong nước đã dẫn đến sự phân hóa giữa hai khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, là một trong những nguyên nhân làm cho nền kinh tế đất nước phát triển thiếu bền vững.

Trong khu vực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước hiện có một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế tạo, song tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu với gần 94%.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần là 9,1%/năm, thấp hơn nhiều khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần cao nhất, bình quân 26%/năm và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13,7%/năm. 

>>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam 2017: Nhiều cơ hội tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO