Kinh tế Trung Quốc sắp có những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua?

Minh Anh| 07/11/2020 06:10

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của nền kinh tế thứ hai thế giới được xem là sự phản ánh quan điểm căn bản dài hạn của Trung Quốc về trật tự toàn cầu, cũng như sự chuẩn bị của Bắc Kinh trước các nguy cơ, thách thức.

Kinh tế Trung Quốc sắp có những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua?

Hội nghị Trung ương (TW) 5 khóa XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc sau bốn ngày làm việc, với một tuyên bố chính thức về Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm lần thứ 14 và tầm nhìn đến năm 2035.

Hội nghị lần này diễn ra tại một thời khắc đặc biệt thách thức đối với Trung Quốc, khi quốc gia này phải đối mặt với một nền kinh tế đang giảm tốc đột ngột (dự kiến tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2%, giảm so với 6,1% năm 2019), quan hệ song phương với nền kinh tế số một thế giới ngày càng rạn nứt và một môi trường quốc tế bất ổn mà chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói rằng, sắp có những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua.

Chất lượng hơn số lượng

Giới nghiên cứu nhận định, trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư, nhằm thúc đẩy quốc gia từng lạc hậu trở thành một nền thương mại lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trước những nguy cơ từ bên ngoài và sự chuyển dịch cơ cấu cơ bản ở bên trong, sẽ có rất nhiều thứ sắp thay đổi trong những năm tới.

Vẫn như thường lệ, Bắc Kinh tuyên bố đã đạt được các mục tiêu của quy hoạch năm năm trước đó với tuyên bố rằng, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chính trị then chốt là trở thành một xã hội khá giả vào năm 2020. Đến cuối năm 2020, GDP của Trung Quốc dự kiến đạt gần 100.000 tỷ NDT (tương đương 14.300 tỷ USD), cao hơn mức dự báo trong kế hoạch là 92.700 tỷ NDT.

Theo đó, trong nửa thập kỷ qua, Trung Quốc đã đưa 55,75 triệu người thoát khỏi đói nghèo và tạo được 60 triệu việc làm ở các khu vực thành thị. Đến cuối năm 2020, 1,3 tỷ người sẽ được hưởng bảo hiểm y tế cơ bản và gần 1 tỷ người được nhận trợ cấp hưu trí cơ bản.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng thừa nhận một số vấn đề mà nền kinh tế số hai thế giới vẫn phải đối mặt, trong đó có tình trạng bất bình đẳng dai dẳng và ngày càng gia tăng giữa nông thôn và thành thị, các vấn đề môi trường và sự thiếu đổi mới về chất bất chấp việc từ lâu chính phủ đã rất chú trọng vào vấn đề này. Quy hoạch giai đoạn tới nhắm mục tiêu giải quyết những vấn đề đó.

Theo đó, tiếp tục dựa trên các nguyên tắc đổi mới, phối hợp khu vực, phát triển xanh, mở cửa quốc tế và công bằng xã hội được đề ra trong Quy hoạch năm năm lần thứ 13, bản kế hoạch lần này đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố nền kinh tế trong nước, trọng tâm hướng nội; không quá nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, thay vào đó là tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng suất; độc lập về công nghệ và nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thoát khỏi ám ảnh tăng trưởng bằng mọi giá

Tầm nhìn tương lai kinh tế của Trung Quốc lần này đặt trọng tâm vào chất lượng hơn số lượng, với “việc cải thiện đáng kể chất lượng và tính hiệu quả”. Kế hoạch năm năm lần này đặt trọng tâm chính vào mục tiêu linh hoạt, nâng GDP bình quân đầu người lên mức tương đương với một quốc gia tương đối phát triển. Đồng thời cam kết thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Như dự đoán, đặt nền kinh tế trước những thách thức chưa từng có tiền lệ, Trung Quốc tập trung vào chiến lược “tuần hoàn kép” cho thấy một trọng tâm mới, hướng nội của nền kinh tế trong tương lai. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ thị trường tiêu dùng trong nước để đảm bảo tăng trưởng bền vững lâu dài không chịu rủi ro từ nước ngoài (tuần hoàn bên trong với sản xuất và tiêu dùng nội bộ). Nhưng vẫn đồng thời, bổ sung kế hoạch “tuần hoàn bên ngoài” với ngoại thương và đầu tư, tăng cường mở cửa và cải cách kinh tế, cho phép thị trường trong - ngoài thúc đẩy lẫn nhau.

Điểm đáng chú ý nhất, liên quan trọng tâm công nghệ và đổi mới, bắt kịp với “cuộc chiến công nghệ” ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Thông cáo lưu ý, đổi mới chiếm vị trí cốt lõi trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc và chỉ rõ “khả năng tự lực trong khoa học và công nghệ quyết định chiến lược cho sự phát triển quốc gia” trong tương lai.

Trở lại việc Washington quyết định xóa bỏ quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc như Huawei đối với các công nghệ quan trọng của phương Tây, Bắc Kinh ngày càng ráo riết phát triển nền tảng công nghệ của riêng mình. Nhiều mục tiêu dài hạn được nêu bật mang định hướng công nghệ.

Bắc Kinh sẽ thực hiện “những bước đột phá lớn trong các công nghệ cốt lõi”, trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới và đạt được “công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp mới”. Các công nghệ cốt lõi không được nêu tên trong thông cáo, nhưng có khả năng gồm chính những công nghệ được nhấn mạnh trong các kế hoạch khác của Chính phủ như, chất bán dẫn, viễn thông, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo…

Tuy nhiên, giới quan sát khá tinh ý khi chú ý tới các mục tiêu về công nghệ là năm 2035 chứ không phải năm 2025. Khi đó, Trung Quốc về cơ bản trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và thời hạn hoàn thành mục tiêu đó là năm 2049 nhân 100 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Giới truyền thông cũng khá “sốt ruột” về các nội dung cải cách cụ thể, cũng như những lời hứa về “những bước đi mới” trong cải cách, mở cửa và xây dựng “hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao”.

Bởi vậy, bản Quy hoạch đầy đủ được kỳ vọng sẽ đáp ứng sự mong đợi, với các chỉ tiêu được định lượng chi tiết và cụ thể hóa các giải pháp. Tuy nhiên, bản Quy hoạch chính thức sẽ không được công bố trước hội nghị tiếp theo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021.

(Theo Thế giới & Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc sắp có những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO