Xuất khẩu gạo trông chờ “luồng xanh”

Hồng Nga| 13/08/2021 01:27

Các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa lớn nhất trong năm nhưng các nhà máy chế biến gạo phải áp dụng “3 tại chỗ” khiến công suất giảm, lượng tồn kho lớn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang khó khăn vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Xuất khẩu gạo trông chờ “luồng xanh”

Đứt gãy chuỗi cung ứng gạo

Chia sẻ tại buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hoá và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanhcho các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ Công Thương ngày 12/8, nhiều DN cho rằng giá lúa gạo giảm sâu không phải do cung cầu mà do đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Theo các DN, tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, từ cánh đồng đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng gặp nhiều khó khăn, khiến nông dân không bán được lúa, nhà máy chế biến không mua được hàng hoặc nhà máy sản xuất xong thiếu phương tiện để vận chuyển và giao hàng. Hiện nay, sản lượng thu mua lúa Hè Thu 2021 sụt giảm 20-30%; nhiều DN không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”; sấy lúa, nhà máy xay, ghe... không hoạt động được do phải có test nhanh.

Chia sẻ về tình trạng này, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long, cho biết từ giữa tháng 7 đến nay DN áp dụng "3 tại chỗ", năng suất giảm rất nhiều. Nhà máy gạo nội địa của Tân Long ở Đồng Tháp ngày nào cũng xuất 5 container với 700 tấn đang lo đứt gãy sản xuất vì thiếu nhân công. 

lua-2-jpeg-6004-1628811804.jpg

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng gạo đang diễn ra khiến việc xuất khẩu gạo gặp khó

Không chỉ vậy, nhiều DN còn gặp khó trong vấn đề tài chính. Ông Vũ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, dù lượng xuất tồn kho lớn nhưng DN cũng rất muốn thu mua lúa để hỗ trợ bà con nông dân. Nhưng để làm được điều này, DN phải có thêm nguồn lực tài chính.

“Chúng tôi đã gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang xin hỗ trợ DN mua 30.000 tấn lúa cho bà con nông dân và cũng cần ngân hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng”, ông Vũ Tiến Hùng nói.

Xuất khẩu gạo gặp khó

Không chỉ gặp khó trong khâu phân phối gạo nội địa, các DN còn gặp khó vì không xuất khẩu gạo được. Nghịch lý xảy ra là khách nước ngoài vẫn cần nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng DN Việt Nam lại không giao hàng được. Tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu gạo đạt 3,58 triệu tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, cho biết nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì đến tháng 8 này, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo nhưng khả năng chỉ xuất được tối đa 30.000-35.000 tấn. Lý do theo ông Nam: các cảng đang thiếu công nhân vì quy định buộc giãn cách 2m, dẫn tới không thể bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container.  Bên cạnh đó, đơn hàng xuất đi châu Phi tạm ngưng vì không có tàu lớn vào cảng do lo ngại dịch bệnh, còn các xà lan đi từ địa phương lên bị giữ lại và không vào bốc hàng được.

Cũng trong tình cảnh như thế, ông Phan Xuân Quế - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1),  cho hay mặc dù Vinafood 1 đã làm việc với các địa phương về vấn đề lưu thông hàng hóa để tạo điều kiện cho DN thu mua lúa cho bà con nông dân song tới nay vẫn vướng. 

“DN có đơn hàng nhưng không thể xuất hàng và cũng vì vậy mà hàng tồn kho không có chỗ chứa. Chúng tôi cần xuất hết hàng mới có thể tiếp tục thu mua lúa của bà con nông dân”, ông Phan Xuân Quế chia sẻ lý do.

Trong tháng 8 này, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An phải giao hơn 11.000 tấn gạo đã trúng thầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc nhưng công ty không đáp ứng được do đứt gãy chuỗi chế biến, vận chuyển. “Thông lệ từ tháng 8 hằng năm là đơn hàng mua gạo từ nước ngoài đổ về nhiều. Nay dịch bệnh, đơn hàng đặt mua gạo cũng có nhưng giao hàng gặp khó khăn do giãn cách và cước vận chuyển quá cao nên người mua và người bán vẫn không dám ký kết”, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.

Tình cảnh này cũng diễn ra tại Công ty CP xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Ông Vũ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Angimex,  cho hay hiện nay mỗi tháng công ty chỉ có thể xuất 30.000 - 40.000 tấn trong khi năng lực sản xuất của nhà máy lớn hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, container thiếu, giá cả vận tải tăng lên khiến DN không dám ký hợp đồng vì sợ chi phí tăng quá cao không đáp ứng được hợp đồng. Ông Hùng nói:  “Chúng tôi khi ký hợp đồng đã dự trù biến động tăng giá nhưng mức tăng thực sự không ai lường trước được”.

Công ty CP Tập đoàn Tân Long trong mấy tháng qua cũng “kẹt cứng” với đơn hàng xuất khẩu. Tân Long có kế hoạch thu mua 60.000 - 80.000 tấn gạo thành phẩm để xuất khẩu nhưng đến nay mua chưa được 10.000 tấn. Ông Nguyễn Chánh Trung cho hay mặc dù đối tác thúc giục nhưng công ty không có đủ lao động để chế biến. Hiện tại, Tân Long đang kẹt 1 lô gạo thơm Jasmine tại cảng, hàng đang ở sà lan chưa thể bốc lên tàu do thiếu nhân lực và không có tàu.

xuat-khau-gao-jpeg-3760-1628811804.jpg

Tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu gạo đạt 3,58 triệu tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, giảm 10,6% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020

Kiến nghị của DN 

Chia sẻ thực trạng khó khăn mà các DN đang gặp phải, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện tiến độ tiêu thụ lúa tươi cũng như giao hàng tại các cảng đang bị ách tắc nghiêm trọng. Tình hình này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội của người trồng lúa và một bộ phận lao động thu nhập thấp ở ĐBSCL.

Do vậy, VFA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cùng các cơ quan chức năng liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở “luồng xanh” cho vận tải đường thuỷ và có sự thống nhất trong cả khu vực phía Nam. “Luồng xanh” cho lưu thông từ cánh đồng về nhà máy để thương nhân có thể mua lúa cho bà con nông dân song song với “luồng xanh” từ nhà máy ra cảng để lúa gạo thuận tiện trong việc xuất khẩu”, ông Nguyễn Trung Kiên nói.

VFA và các DN cũng kiến nghị Bộ Công Thương nên làm việc với các hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ vấn đề ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hương tới khả năng xuất khẩu gạo của DN.

Nên ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo trên đường thuỷ và đường bộ đồng thời xem xét gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 lên 5 ngày để tận dụng các xà lan lớn vận chuyển hàng hoá.

Bên cạnh đó, DN cũng đề xuất được hỗ trợ về tài chính (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa.

Đề xuất địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển trong giờ giới nghiêm (việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18 giờ; công nhân nhập lúa đến 22 giờ).

Để tạo thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa gạo cho nông dân, chiều ngày 12/8, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi suất cho các DN và tạo điều kiện cho các DN được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm.

Trước đó, ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL mở thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, DN và đa dạng các sản phẩm tín dụng, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay… để họ có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích kho chứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo trông chờ “luồng xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO