Thị trường đường: Mua khổ, bán khó

LỮ Ý NHI| 17/10/2012 05:04

Trong khi các nhà máy đường tồn kho hơn 100 ngàn tấn thì các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nước giải khát lại khốn đốn vì thiếu đường!

Thị trường đường: Mua khổ, bán khó

Trong khi các nhà máy đường tồn kho hơn 100 ngàn tấn thì các doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm, nước giải khát lại khốn đốn vì thiếu đường! Nhiều nhà máy đường dư công suất nhưng giá đường trong nước lại cao hơn thế giới tới 30%!

Đọc E-paper

Giá đường trong nước thời điểm cao hơn giá đường thế giới 30%

Sản xuất kêu khó

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương dự báo, niên vụ 2012, sản lượng đường của Việt Nam là hơn 1,4 triệu tấn và sẽ tồn kho trên 100 ngàn tấn đường.

Lý giải tình trạng thừa đường, bà Dương Thị Tô Châu, Giám đốc Thương mại Công ty Đường Bourbon Tây Ninh, khẳng định: “Do kiểm soát lỏng lẻo, đường nhập lậu vào thị trường Việt Nam rất lớn, ước tính khoảng hơn 300.000 tấn/năm, với giá bán thấp hơn đường trong nước từ 1.500-2.000 đồng/kg. Tổng sản lượng đường của các nhà máy trong cả nước là 1,3-1,4 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ vào khoảng 1,4 triệu tấn là đủ, nhưng phải gánh thêm hơn 300.000 tấn đường lậu giá rẻ, nên việc các nhà máy tồn kho đường là đương nhiên”.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng tồn kho đường là do DN tạm nhập tái xuất đường, thay vì phải tái xuất lại tiêu thụ luôn trong nước.

Để tìm đầu ra, các nhà máy phải chấp nhận hạ giá, trong khi đó vẫn phải đảm bảo chi phí sản xuất, lương nhân công, đầu tư vùng nguyên liệu, đóng thuế... Hiện tại, sắp vào vụ mía, các công ty sản xuất đường không có lời nhưng vẫn phải mua mía cho bà con nông dân mà không thể hạ giá.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, mặc dù giá đường liên tục giảm từ 3.000-3.500 đồng/kg so với năm ngoái, nhưng các nhà máy vẫn khó bán được đường. Với giá giảm như hiện nay, sau khi trừ chi phí, các nhà máy còn phải chịu lỗ từ 500-800 đồng/kg.

Vì vậy, một số nhà máy đường đang đứng trước nguy cơ thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Chẳng hạn, nhà máy Phụng Hiệp và Vị Thanh, từ đầu vụ đến nay, sản xuất trên 12.000 tấn đường nhưng mới bán được 30% sản lượng, lỗ hơn 10 tỷ đồng, và 70% còn lại tồn kho.

Tiêu thụ tố khổ

Trong khi các nhà máy đường tồn kho số lượng lớn, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nước giải khát như Bibica, Tân Hiệp Phát, Nestlé, Coca - Cola, Perfetti... lại than “rất khó mua được đường!”.

Cụ thể, khi các DN này đặt mua hàng thì thường xuyên được báo hết hàng, mà nếu có thì giá luôn cao hơn giá bán trung gian từ 1.000-2.000 đồng/kg, có thời điểm cao hơn giá thế giới tới 30%.

Thậm chí, do thiếu nguyên liệu nên hồi tháng 7, Công ty URC, chuyên sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, đã phải dừng một trong số 5 dây chuyền sản xuất ở Bình Dương.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Truyền thông đối ngoại Công ty Nestlé, giải thích: “DN chế biến thực phẩm, nước giải khát chỉ mua đường RE, nên nếu thừa là đường RS chứ RE rất thiếu. Tuy nhiên, chất lượng RE của nhiều nhà máy đường cũng không đảm bảo và tiêu chuẩn của đường RE của Việt Nam cũng thấp hơn thế giới. Do chất lượng đường không cao, sản phẩm của nhiều DN chế biến thực phẩm, nước giải khát cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, các nhà máy có chất lượng đường tốt thường làm giá cao đi kèm nhiều yêu cầu khắt khe như cam kết số lượng, ký hợp đồng dài hạn...”.

Cũng theo ông Tuấn, một khó khăn khác là mặc dù DN được cấp quota nhập đường, nhưng thay vì phải cấp đầu năm thì đến tháng 8, mới được cấp. Do đó, các công ty không tính được kế hoạch để hợp đồng mua đường từ các nhà máy.

Theo bà Tô Châu, hiện chỉ có khoảng 9 nhà máy đường trong số 41 nhà máy đường đáp ứng được tiêu chuẩn đường RE chất lượng cao, còn những nhà máy sản xuất theo công nghệ cũ thì sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu, điển hình nhất là đường không đạt chỉ tiêu kết tủa khi dùng cho nước giải khát.

Ngoài ra, dư lượng thuốc trừ sâu, hoặc dư lượng Sulphur dùng cho tẩy trắng đường cũng là các chỉ tiêu được DN sản xuất quan tâm...

“Để đáp ứng yêu cầu của Pepsi hoặc Coca - Cola, Bourbon Tây Ninh phải đạt được tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng quốc tế do GSFI- Global Food Safety Initiative công nhận. Các chi phí này chúng tôi phải tính toán và nằm trong giá thành nên giá đường RE của nhà máy phải cao hơn RS là đương nhiên. Còn việc các DN sản xuất phàn nàn không mua được đường từ nhà máy là do chúng tôi ưu tiên ngay từ đầu năm cho các DN đã ký kết tiêu thụ số lượng cụ thể”, bà Tô Châu giải thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường đường: Mua khổ, bán khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO