Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam: Chất lượng là yếu tố quyết định

CẨM TÚ| 26/04/2018 03:33

Bên cạnh thị trường nội địa đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều doanh nghiệp may mặc, thị trường quốc tế cũng chứng kiến nhiều tín hiệu lạc quan của ngành dệt may Việt Nam.

Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam: Chất lượng là yếu tố quyết định

Vài năm trở lại đây, tại hàng loạt trung tâm thương mại mới mọc lên ở những thành phố lớn trên cả nước, các gian hàng thời trang trung cấp – cao cấp mang thương hiệu Việt ngày càng chiếm ưu thế.

Thị trường nội địa ngày càng sôi động

Để cạnh tranh được với các thương hiệu thời trang nước ngoài – theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thời gian qua đã có những doanh nghiệp Việt dành đến 20% nhân lực để thiết kế, may mẫu và chào hàng. Cụ thể hơn, nếu năm 2016, số doanh nghiệp dệt may Việt tự thiết kế mẫu mã để chào hàng chỉ chiếm 3% thì năm 2017 con số này đã tăng lên 7%.

Theo dự đoán của bà Tuyết Mai, con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh bởi thiết kế là khâu đem lại giá trị gia tăng lớn và giúp doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chú ý đến xây dựng chuỗi kết nối dệt – nhuộm – may để cung ứng cho nhau, giảm nhập khẩu nguyên liệu.

So với những năm trước, năm 2017, ngành dệt may chứng kiến nhiều nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, nhất là việc xây dựng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt. Hàng loạt sức ép đã buộc doanh nghiệp phải tìm cách thoát khỏi “kiếp gia công” nếu muốn tồn tại.

Link bài viết

Tại hội thảo Xây dựng thương hiệu – môi trường dệt may ngày 11/4 trong khuôn khổ triển lãm Saigontex 2018, ông Phạm Văn Băng - đại diện Công ty TNHH Phụ liệu may mặc Daiho cho biết công ty gia đình ông vừa qua đã mua lại toàn bộ Công ty Daiho Garment Accessories Co.LTD của Hàn Quốc. Công ty Hàn Quốc có bề dày 20 năm tại Bình Dương này sẽ thành một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất nút áo. Hành động này của công ty gia đình trên nhằm thâm nhập vào thị trường nội địa.

Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn trong nước chủ yếu gia công cho các công ty nước ngoài. Các khách hàng nước ngoài thường chỉ định công ty cung cấp phụ liệu may cho họ cho nên những doanh nghiệp cung cấp phụ liệu thương hiệu nhỏ trong nước rất khó tiếp cận được. Gần đây có một số doanh nghiệp trong nước đã có thương hiệu riêng và tự kiểm soát được nguyên phụ liệu may. Đây chính là cơ hội của những công ty như Daiho.

Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, các doanh nghiệp nội trong ngành dệt may hiện nay nên phát triển phương thức OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng) bên cạnh việc nâng cao hiệu quả phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm). Hình thức kinh doanh OBM trong ngành dệt may là doanh nghiệp phải tự thiết kế, lựa chọn nguyên phụ liệu, sản xuất và phân phối bằng thương hiệu của chính mình. Thị trường nội địa Việt Nam hiện đã đủ hấp dẫn để lôi kéo hàng chục doanh nghiệp chuyển từ gia công sang OBM và giành được vị trí đắc địa ở các trung tâm thương mại lớn.

Để xu hướng này phát triển mạnh, các doanh nghiệp cho rằng ngành cần có các chính sách khuyến khích chuyển đổi như ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp dệt may có kinh nghiệm tham gia vào dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu…

Cạnh tranh xuất khẩu bằng năng suất

Đầu năm 2017, khi thông tin chính phủ Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố, đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt may chững lại, các đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang những nước có lao động, thuế xuất nhập khẩu rẻ như Campuchia, Myanmar, Bangladesh.

Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III/2017, đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc trở lại và các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, dệt may Việt Nam có ưu thế là các doanh nghiệp có thể thực hiện các đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng và thời gian giao hàng nên đã quay trở lại Việt Nam.

Bà Tuyết Mai cũng dự báo năm 2018, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng cao vì thị trường xuất khẩu rộng mở. FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp đưa hàng dệt may vào thị trường này và dễ dàng nhận được các đơn đặt hàng lớn từ các nước trong khối EU. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu máy móc hiện đại giá rẻ từ những nước EU để đáp ứng các đơn hàng khó, cao cấp và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị thặng dư.

Bên cạnh những thuận lợi, một vấn đề lớn mà dệt may Việt Nam đang phải đối mặt là tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngành dệt may Việt Nam có cường độ sử dụng năng lượng lớn bậc nhất trên thế giới: cứ 1 đồng sản xuất thì lại phải mất 1 đồng cho chi phí năng lượng. Đối với việc tiết kiệm năng lượng, hiện nay một số thị trường lớn như Mỹ, EU đã có quy định về rào cản dán nhãn cacbon, trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra trên từng sản phẩm dệt may. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết đã nhận được yêu cầu của một số nhà mua hàng về việc dán nhãn cacbon trên sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện Chương trình Năng lượng phát thải thấp (VLEEP). Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cũng đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp với từng doanh nghiệp và kết nối nguồn tài chính.

Theo Bộ Công thương, việc áp dụng công nghệ phát thải thấp, tiết kiệm năng lượng có thể giảm được 30% chi phí cho ngành dệt may. Đồng nghĩa, mỗi năm ngành dệt may Việt Nam có thể giảm 1 tỷ USD chi phí năng lượng, nhờ đó sẽ tăng đáng kể hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam: Chất lượng là yếu tố quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO